12h trưa, trời Đà Nẵng nắng hanh hao. Không một ngọn gió. Đoạn đường thênh thang trước Bệnh viện Đà Nẵng chỉ có bóng áo xanh công an và bóng một người phụ nữ mặc bộ đồ bộ hồng nhạt.
“Con tôi chạy thận, có một mình trong đó, chú cho gửi mấy hộp sữa với hộp nước yến cho nó uống”, bà Dung nài nỉ. Tuy nhiên, vì không có người giúp chuyển đồ từ chốt phong tỏa lên tận phòng bệnh nên dù muốn hỗ trợ bà, các cán bộ tại đây cũng lực bất tòng tâm. Bà Dung không biết phải làm gì để giúp đỡ con gái lúc này.
Bà Võ Thị Dung tìm cách gửi đồ cho con gái đang chạy thận tại Bệnh viện Đà Nẵng. Ảnh: Phạm Ngôn. |
8h sáng 26/7, bà Võ Thị Dung (50 tuổi) đưa con gái nhập viện Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng. Con bà bị đau liên tục mấy ngày, đến lúc không thể chịu được nữa đành phải nhập viện.
Thế nhưng, chỉ mấy tiếng sau, hai mẹ con nhận được thông báo bệnh viện phải cách ly để chống dịch Covid-19 từ 13h cùng ngày. Trước đó 1 ngày, Việt Nam có ca dương tính Covid-19 mới tại Đà Nẵng sau 99 ngày không ghi nhận lây nhiễm trong cộng đồng.
Con cách ly, mẹ trong khu phong tỏa
Biết tin Bệnh viện Đà Nẵng phải cách ly, hai mẹ con thống nhất con gái bà nằm viện, còn bà Dung ở ngoài phòng trọ để tiếp tế đồ dùng cho con. Nào ngờ, chiều 27/7, Bộ Y tế công bố 11 ca nhiễm mới đều tại Bệnh viện Đà Nẵng, trong đó có tới 4 nhân viên y tế.
Biết tin, bà Dung chết lặng. Lại nghe con gái kể 4 người nhiễm bị nhiễm Covid-19 là bệnh nhân suy thận mãn tính, bà càng thấy bất an. Bà ước gì lúc ấy, bà không để con lại một mình.
“Hai mẹ con chỉ cách một cánh cổng nhưng không thể gặp nhau. Đêm ngủ mình cũng giật mình sợ nó bị làm sao. Sợ nó ở trong đó không ai chăm. Rồi đã bị suy thận mà còn nhiễm dịch thì không biết làm thế nào”, bà Dung nói trong nước mắt.
Bà Dung rơi nước mắt khi kể về con gái đang chạy thận. Ảnh: Phạm Ngôn. |
Còn chưa biết làm sao vào với con thì đến sáng 28/7 tỉnh dậy, bà thấy khu trọ bị chắn hàng rào. Hàng xóm nói khu này đã bị phong tỏa để chống dịch. Hết cái khó này chồng cái khó khác, bà Dung chỉ nghĩ làm thế nào để được vào với con.
Bà kể con gái bà 29 tuổi, chạy thận đến nay đã được 9 năm, tức là gần 1/ 3 cuộc đời. 9 năm đó là 9 năm bà cùng con ăn cơm viện, ngủ giường viện để luôn sẵn sàng cho 3 lần chạy thận mỗi tuần. Từ khi dịch Covid-19 bùng phát, cuộc sống của 2 mẹ con thay đổi hẳn.
Để phòng tránh lây nhiễm, bệnh viện không thể nhận quá nhiều bệnh nhân lưu trú, hai mẹ con cùng hàng chục bệnh nhân chạy thận khác đành tụ họp lại và thuê nhà trọ ở con hẻm ngay cạnh bệnh viện (hẻm 144, đường Hải Phòng). Nơi đây thành xóm chạy thận bất đắc dĩ khi có tới 22 bệnh nhân cùng khu nhà.
Bệnh viện đưa đón bệnh nhân chạy thận trong cách ly
Cũng chạy thận giống như con gái bà Dung, ông Võ Văn Thanh (58 tuổi) may mắn hơn khi bệnh không quá nặng, có thể tự chăm sóc bản thân. Ông Thanh cho biết cách ly xã hội khiến việc chạy thận khó khăn hơn nhưng bệnh viện đã hỗ trợ các bệnh nhân.
Cụ thể, ông kể mấy ngày nay, các bệnh nhân chạy thận trong xóm đều có xe của bệnh viện đưa đi chạy thận, sau đó, chở về một khách sạn tại quận Sơn Trà để cách ly. Đến đợt chạy thận tiếp theo, họ sẽ lại có xe đến đón đưa đi viện. Chiều 28/6, ông cũng sẽ được đón trên chuyến xe này để đi chạy thận rồi cách ly.
“Chưa biết ăn uống thế nào, chi phí ra sao nhưng mình được cách ly ở khách sạn thấy cũng yên tâm. Họ nói khu trọ của mình không đủ điều kiện cách ly nên hỗ trợ như vậy”, ông Thanh cho hay.
Theo ông Thanh, một số bệnh nhân cùng người nhà ở khu trọ này đã được đưa đi cách ly từ trước. Còn trường hợp của con gái bà Dung là do bệnh nặng, phải nhập viện nên không thể di chuyển ra ngoài.
“Bà ấy cũng chẳng có cách nào, phải ở đây mà nhìn lên bệnh viện ngóng con chứ cũng không đi đâu được”, ông Thanh thở dài chia sẻ.
Nhiều bệnh nhân tới khu vực phong tỏa từ 7h sáng để chạy thận (trái) và bệnh nhân chuẩn bị vào khách sạn để cách ly trong thời gian chạy thận (phải). Ảnh: Phạm Ngôn - Ngọc Tân. |
Trong sáng 28/7, hàng chục bệnh nhân chạy thận từ khắp các quận, huyện của Đà Nẵng đã có mặt tại các chốt kiểm soát của 3 bệnh viện và 4 khu phố bị phong tỏa tại Đà Nẵng. Nhiều bệnh nhân cho hay họ đi từ các quận, huyện xa đến để chạy thận, đến nơi mới biết viện bị phong tỏa.
Chiều cùng ngày, các khu cách ly dành riêng cho bệnh nhân chạy thận đã được tăng cường. Một bệnh nhân ở quận Thanh Khê (Đà Nẵng) cho hay ông đã được sắp xếp một chỗ ở tại một khách sạn trên đường Phạm Văn Đồng (quận Sơn Trà) để có thể chạy thận trong thời gian cách ly xã hội.
Trao đổi với Zing, ông Lê Anh, Chủ tịch UBND quận Hải Châu, cho biết cả thành phố và quận đều đang tính toán hỗ trợ nhóm bệnh nhân này. Các bệnh viện sẽ có phương án sắp xếp sao cho khoa học và hợp lý để giải quyết khó khăn cho họ trong thời gian cách ly.
Đến trưa 28/7, Đà Nẵng tiếp tục ra thông báo cách ly xã hội 7/8 quận, huyện tại tỉnh này. Huyện đảo Hoàng Sa là địa bàn còn lại của Đà Nẵng chưa cách ly xã hội.
Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Khi ra đường, mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m lúc giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Từ 25/7 đến hết 28/7, Việt Nam có 4 ngày liên tiếp đều ghi nhận ca mắc Covid-19 trong cộng đồng với 22 bệnh nhân được công bố ở 3 tỉnh: Đà Nẵng, Quảng Ngãi, Quảng Nam. Trong đó, Đà Nẵng ghi nhận 18 ca, Quảng Nam có 3 trường hợp và Quảng Ngãi có 1 trường hợp.