Sau khi liên tục phát hiện các ca dương tính và nghi nhiễm Covid-19 tại Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện C (Bộ Y tế), Bệnh viện Chấn thương và Chỉnh hình, UBND Đà Nẵng đã phong tỏa 3 cơ sở y tế này. Ba bệnh viện đều nằm trên một khu đất và cách nhau vài chục mét. Bốn tuyến đường quanh đây được phong tỏa để cách ly phòng dịch Covid-19. |
10 chốt chặn được lập tại các lối ra vào. 54 chiến sĩ cảnh sát giao thông, cảnh sát cơ động, dân quân tự vệ được huy động để canh gác ngày đêm, đảm bảo "nội bất xuất, ngoại bất nhập", tránh dịch bệnh lây lan. |
Sáng 28/7, anh Lê Văn Hiếu (30 tuổi) và anh Nguyễn Văn Bốn (53 tuổi) đến giao dược phẩm cho bệnh viện như mọi ngày. Điểm khác biệt là hôm nay cả hai đều phải mặc đồ bảo hộ. Ngoài xe cấp cứu, những trường hợp khác như giao dược phẩm, nhu yếu phẩm... cũng có thể ra vào nhưng phải có giấy tờ hợp lệ theo quy định của Sở Y tế Đà Nẵng. |
Hơn 3 năm lái xe chở dược liệu cho bệnh viện, anh Hiếu cho biết hôm nay là lần đầu tiên trong đời anh mặc bộ đồ này. Dù cảm thấy rất nóng nhưng anh cảm thấy yên tâm hơn khi mặc. "Quy định của bệnh viện là từ khi cách ly xã hội, người ra vào viện đều phải mặc thế này, tránh lây nhiễm dịch bệnh", anh Hiếu giải thích. |
Tương tự, anh Nguyễn Văn Bốn chưa bao giờ gặp cảnh này suốt 24 năm giao dược phẩm cho viện. Các cảnh sát canh chốt đang yêu cầu anh phải xuất trình giấy của Sở Y tế mới có thể vào viện để giao dược phẩm. |
Sau khi Đà Nẵng bùng phát dịch trở lại, nhiều nhà hảo tâm mang theo các món quà từ thiện đến hỗ trợ đội ngũ y tế chống dịch. Các cô giáo tại Trường mầm non Tuổi thơ (phường Hải Châu 1, quận Hải Châu) tự sản xuất 600 mũ chống giọt bắn để tặng cho các bệnh viện. Những chiếc mũ này được các cô giáo gấp rút làm chỉ trong 2 ngày và mau chóng phát đi các điểm cách ly, hỗ trợ tuyến đầu chống dịch. |
Tại Bệnh viện Đà Nẵng, việc phong tỏa và cách ly xã hội gây bất tiện cho người dân nơi đây. Nhiều người dân cho biết từ sáng đến quá trưa ngày 28/7, họ chưa mua được nhu yếu phẩm để nấu ăn cho gia đình. Tổ dân phố phường đã đến từng hộ, ghi chép những đồ dùng cần mua để tiếp tế. |
Có kinh nghiệm từ đợt cách ly xã hội trước, gia đình ông Trần Danh (51 tuổi), người dân tại hẻm 144 đường Hải Phòng - khu vực bị phong tỏa, đã tự làm những chiếc mũ chống giọt bắn để chống dịch. Ông cho biết không quá lo lắng về dịch bệnh dù ở ngay sát nơi được cho là "ổ dịch" hiện tại của Đà Nẵng. Tuy nhiên, ông cho biết việc phong tỏa và cách ly đã gây khó khăn cho những người trong xóm chạy thận tại đây. |
Xóm chạy thận ở con hẻm cạnh Bệnh viện Đà Nẵng có 25 người, trong đó 22 người đang chạy thận và 3 người thân chăm sóc. Sau khi phong tỏa, bệnh viện đã hỗ trợ xe đưa đón người dân chạy thận và cách ly ở khách sạn tại quận Sơn Trà. Trong ảnh, một người mẹ đang năn nỉ cảnh sát cho vào bệnh viện chăm con chạy thận. |
Bà Võ Thị Dung (50 tuổi) cho biết con gái bà bị suy thận nặng và đang chạy thận tại Khoa Thận nhân tạo, Bệnh viện Đà Nẵng. Việc phong tỏa đột ngột khiến bà không kịp vào viện để cùng cách ly với con. "Một mình nó ở trong đấy không ai chăm sóc, lại còn dịch bệnh, tôi lo lắng mà không biết làm sao để vào cùng", bà Dung nói. |
Sáng 28/7, một nhóm bệnh nhân tập trung trước chốt chặn trên đường Quang Trung, gần Bệnh viện Chấn thương và Chỉnh hình. Họ đang nhờ bác sĩ trợ giúp để có thể vào viện chạy thận như kế hoạch. |
Xe cứu thương là phương tiện duy nhất được ra vào 3 bệnh viện những ngày này. |
Đồ họa: Nhân Lê |
Đến trưa 28/7, Đà Nẵng tiếp tục ra thông báo cách ly xã hội 7/8 quận, huyện tại tỉnh này. Huyện đảo Hoàng Sa là địa bàn còn lại của Đà Nẵng chưa cách ly xã hội.
Người dân chỉ ra ngoài trong trường hợp thật sự cần thiết như mua lương thực, thực phẩm, thuốc men, cấp cứu, làm việc tại nhà máy, cơ sở sản xuất, cơ sở kinh doanh dịch vụ, hàng hóa thiết yếu. Khi ra đường, mọi người phải giữ khoảng cách tối thiểu 2 m lúc giao tiếp; không tập trung quá 2 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện và nơi công cộng.
Từ 25 đến 27/7, 15 bệnh nhân nhiễm SARS-CoV2 trong cộng đồng được phát hiện. Đà Nẵng ghi nhận 14 ca, Quảng Ngãi có một trường hợp.