Cục An toàn Thông tin (Bộ Thông tin - Truyền thông) vừa có văn bản gửi Công ty TNHH công nghệ TikTok Việt Nam đề nghị xử lý video dùng búp bê "cầu vía học giỏi" của kênh TikTok Thơ Nguyễn, đồng thời, xử lý chủ tài khoản kênh Thơ Nguyễn.
Sau khi đăng tải video này, chủ tài khoản Thơ Nguyễn đã vấp phải sự phản ứng gay gắt từ dư luận. Cơ quan quản lý Nhà nước đã vào cuộc, mời người này lên làm việc để kết luận vi phạm và đưa ra hình thức xử lý.
Ông Lai Xuân Thành, Giám đốc Sở Thông tin - Truyền thông tỉnh Bình Dương, cho biết YouTuber Thơ Nguyễn xin hẹn làm việc vào ngày 15/3 do đang bị "sốc".
Thơ Nguyễn bị mời lên làm việc sau khi đăng tải clip với búp bê Kumanthong. Ảnh cắt từ clip. |
Phân tích sự việc dưới góc độ pháp luật, luật sư Diệp Năng Bình (Trưởng văn phòng Luật sư Tinh thông luật) cho biết dù Thơ Nguyễn đã đính chính búp bê được sử dụng không phải Kumanthong và khẳng định "cách duy nhất để học giỏi là siêng học", việc quay clip của YouTuber này vẫn được cho là hành động mê tín dị đoan.
"Đây là hành vi không phù hợp với văn hóa, truyền thống của dân tộc, làm nảy sinh tâm lý hoang mang, ỷ lại, trông chờ vào vận may", luật sư nhận định.
Đối chiếu quy định của pháp luật, ông Bình cho biết hành vi của YouTuber Thơ Nguyễn vi phạm quy định về trang thông tin điện tử và có thể bị xử phạt theo Điều 99 Nghị định 15/2020/NĐ-CP của Chính phủ.
Cụ thể, Điểm b, Khoản 2, Điều 99 quy định tổ chức có hành vi tuyên truyền, kích động bạo lực, dâm ô, đồi trụy, tội ác, tệ nạn xã hội, mê tín dị đoan, phá hoại thuần phong, mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt 10-20 triệu đồng. Đây là mức phạt dành cho tổ chức vi phạm.
Khoản 3, Điều 4 Nghị định này quy định mức xử phạt dành cho cá nhân bằng một nửa của tổ chức có hành vi vi phạm. Do đó, mức xử phạt có thể áp dụng đối với Thơ Nguyễn (nếu vi phạm) là 5-10 triệu đồng.
Ngoài ra, theo luật sư, YouTuber này sẽ phải gỡ bỏ đường dẫn đến thông tin sai sự thật hoặc gây nhầm lẫn, thông tin vi phạm pháp luật.
Thơ Nguyễn sở hữu kênh YouTube có hơn 8,7 triệu lượt theo dõi. |
Trong khi đó, luật sư Giang Hồng Thanh (Trưởng Văn phòng luật sư Giang Thanh) đánh giá hành vi của Thơ Nguyễn không chỉ vi phạm quy định về sử dụng trang thông tin mà đã vi phạm về truyền đưa, cung cấp thông tin nói chung. Video của YouTuber này có dấu hiệu truyền đưa, cung cấp thông tin mê tín dị đoan và cần xử lý theo quy định tại Điều 102 Nghị định 15/2020/NĐ-CP.
Cụ thể, Điểm b, Khoản 4, Điều 102 Nghị định này quy định hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa, lưu trữ, sử dụng thông tin, dịch vụ có nội dung đánh bạc hoặc phục vụ đánh bạc; dâm ô, đồi trụy, mê tín dị đoan, trái đạo đức, thuần phong mỹ tục của dân tộc sẽ bị xử phạt 30-50 triệu đồng.
Do mức phạt của cá nhân bằng một nửa của tổ chức vi phạm, mức phạt mà Thơ Nguyễn có thể đối mặt, theo quan điểm của luật sư Thanh, sẽ là 15-25 triệu đồng.
Tuy nhiên, luật sư nhận định cần đánh giá khách quan, nhìn nhận sự việc theo đúng quy định của pháp luật trước khi có thể đưa ra quyết định cuối cùng.
"Không khó để tìm thấy những clip tương tự, thậm chí còn có tính chất mê tín dị đoan rõ rệt, nặng nề hơn của Thơ được phát tán tràn lan trên mạng xã hội. Để có thể xác định video 'xin vía học giỏi' có nội dung vi phạm điều cấm của pháp luật không, cần có sự đánh giá, giám định chính xác từ các cơ quan chức năng", ông Thanh phân tích.
Ngày 25 và 27/2, Thơ Nguyễn đăng 2 clip có nội dung về búp bê Kumanthong. Trong clip đăng ngày 27/2, người này cho biết do "nhận được nhiều yêu cầu của các em nhỏ" nên quay video dùng búp bê để "xin vía học giỏi". Các clip này sau đó tiếp tục được đăng tải trên kênh YouTube của Thơ Nguyễn và vấp phải nhiều phản ứng.
Sau khi bị phản ứng, Thơ Nguyễn lên tiếng giải thích trên trang Facebook cá nhân với nội dung: "TikTok là nội dung 60s nên buộc phải chia thành 2 clip. Trong clip 1 mình đã chú thích rõ là mình không nuôi và phải siêng học mới học giỏi. Clip tiếp theo thì nói rõ ràng luôn. Nếu các bạn xem chưa đầy đủ thì không thể đưa ra kết luận".
Ngày 11/3, đại diện kênh Thơ Nguyễn đã trực tiếp liên hệ với lãnh đạo Bộ Thông tin Truyền thông và cho biết Thơ Nguyễn đang ở bệnh viện, phải truyền nước sau “cú sốc” bị dư luận phản ứng.