Xe khách giường nằm lưu thông trên đường An Dương Vương, quận 5. Ảnh: Duy Hiệu. |
Ngày 15/12 là thời điểm Sở GTVT TP.HCM đề xuất cấm xe khách giường nằm vào trung tâm. Nội dung này hiện được UBND TP.HCM xem xét.
Liên quan vấn đề này, nhiều hội viên từ Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM nêu nhiều khó khăn, bày tỏ nguyện vọng lùi thời gian hạn chế xe khách vào trung tâm thành phố.
Trao đổi với Zing, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ôtô hành khách TP.HCM, cho biết đơn vị vẫn rất ủng hộ chủ trương cấm xe giường nằm vào nội đô theo giai đoạn mà thành phố hướng tới. Tuy nhiên, ông Tính nhìn nhận thời điểm triển khai khá gấp gáp.
"Tết Nguyên đán chỉ còn cách vài chục ngày, nhưng ngành vận tải vẫn đang loay hoay với khó khăn và vẫn chưa kịp phục hồi sau 2 năm dịch bệnh. Mặt khác, tình hình xăng dầu tăng giá, đứt gãy chuỗi cung ứng trên toàn thế giới cũng tác động không nhỏ đến ngành vận tải nói chung", ông Tính lý giải động thái xin lùi thời gian thực hiện kế hoạch cấm xe giường nằm vào trung tâm TP.HCM (giai đoạn 1).
Theo ông Tính, việc áp dụng cấm ngay xe khách vào nội đô trong khoảng thời gian nửa tháng, kể từ ngày Sở GTVT trình đề xuất sẽ khiến các ngành vận tải gặp khốn khó, không đủ thời gian xoay sở.
Xe khách giường nằm đón trả khách trên đường Điện Biên Phủ, quận Bình Thạnh. Ảnh: Duy Hiệu. |
Đây cũng là nguyện vọng, đề nghị của nhiều hội viên với mong muốn Hiệp hội có tiếng nói, hoãn thời gian hạn chế xe khách vào nội đô sau 15/12.
Sau thời gian này, ông Lê Trung Tính cho hay đơn vị dự kiến đề xuất ngành giao thông tham mưu UBND TP.HCM lùi thời gian hạn chế xe khách vào nội đô vào một trong hai thời điểm sau Tết Nguyên đán Quý Mão.
“Thời điểm thứ nhất là đầu tháng 3, hoặc nếu có thể thư thả hơn, Hiệp hội kiến nghị có thể thực hiện từ 1/4”, ông Tính nói.
Theo phương án 1 của Sở GTVT, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ hạn chế các loại xe khách giường nằm lưu thông vào nội đô từ 6h đến 22h hàng ngày. Giai đoạn 2, từ năm 2025 đến 2030, thành phố hạn chế tiếp nhận xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP.HCM ban hành).
Với phương án 2, khung giờ cấm tương tự phương án 1, song đối tượng hạn chế là xe khách trên 16 chỗ.
Trong đề xuất, Sở GTVT dự kiến có 15/17 điểm tại TP.HCM thuộc phạm vi hạn chế xe khách lưu thông trong năm 2022.
Khu trung tâm thành phố có 2 điểm là đường Tôn Đức Thắng, Nguyễn Hữu Cảnh - Nguyễn Bỉnh Khiêm (quận 1), Nguyễn Tất Thành (quận 4).
Khu sân bay Tân Sơn Nhất có 5 điểm là đường Trường Chinh (đoạn từ đường Âu Cơ đến đường Tân Kỳ Tân Quý), quận Tân Bình; vòng xoay Lăng Cha Cả, Quận Tân Bình; giao lộ Cộng Hòa - Hoàng Hoa Thám, quận Tân Bình; đường Nguyễn Thị Định (từ vòng xoay Mỹ Thủy đến cảng Cát Lái); nút giao Mỹ Thủy, TP Thủ Đức.
Khu cửa ngõ TP.HCM có 3 điểm là giao lộ Nguyễn Hữu Thọ - Nguyễn Văn Linh, quận 7; ngã tư Tây Hòa, TP Thủ Đức; giao lộ quốc lộ 50 - Nguyễn Văn Linh, huyện Bình Chánh.
Các khu vực khác có 5 điểm gồm cầu Kênh Xáng trên đường Dương Bá Trạc, quận 8; ngã tư Bốn Xã, quận Bình Tân và quận Tân Phú; giao lộ Nguyễn Oanh - Phan Văn Trị, quận Gò Vấp; giao lộ Đinh Bộ Lĩnh - Bạch Đằng, quận Bình Thạnh; đường Xô Viết Nghệ Tĩnh (từ Bạch Đằng đến ngã 5 Đài Liệt sỹ), quận Bình Thạnh.
Hàng năm, TP.HCM tăng bình quân 8% lưu lượng phương tiện. Điều này gây áp lực lớn cho cơ sở hạ tầng đường bộ hiện còn hạn chế. Trong đó, xe tải chiếm 2,12% lượng xe hiện tại.
Những cuốn sách hay về TP.HCM
Chuyện kể từ Sài Gòn gồm 65 tản văn viết về những địa danh hoặc công trình kiến trúc của Sài Gòn mà phần lớn không còn nữa và những đồ vật hôm nay đã biến mất hoặc rất hiếm thấy.
Loanh quanh Sài Gòn là cuốn sách đọc nhẹ nhàng mà chứa đựng nhiều thông tin thú vị, độc giả được ngược dòng thời gian về với miền ký ức qua những câu chuyện độc đáo, có điểm nhấn riêng.
Sài Gòn ngoảnh lại trăm năm, mang nhiều câu chuyện xâu chuỗi về mảnh đất Sài Gòn ngày tháng cũ, giúp ta giải mã một số giá trị thuộc về và làm nên căn tính của một thành phố, tác giả còn dẫn bạn đọc khám phá lịch sử của vùng đất với độ lùi xa hơn một thế kỷ.