Trước TP.HCM, một số đô thị trong nước đã cứng rắn áp dụng quy định cấm xe khách vào nội đô theo giờ. Sau vài năm thực thi, tình trạng ùn tắc đã giảm mạnh, áp lực giao thông vào khung giờ cao điểm được hạn chế.
Ở góc nhìn rộng hơn, với những đô thị áp lực giao thông cao, mật độ phương tiện lớn như Seoul hay Thượng Hải, chính quyền không chỉ áp dụng cấm xe lớn vào nội đô mà còn áp dụng nhiều biện pháp khác như đỗ xe theo giờ, phạt nặng nếu dừng ở các khu trung tâm quá lâu.
Theo thống kê của Viện nghiên cứu Phát triển TP.HCM, thành phố có thể giảm được thiệt hại 6 tỷ USD mỗi năm nếu kiểm soát được tắc đường. Và để làm được điều đó, TP.HCM cần một bài toán quy hoạch hạ tầng bài bản, tỉ mỉ.
Các chuyên gia cho rằng việc từng bước hạn chế xe khách vào nội đô mà ngành giao thông TP.HCM hướng đến là hợp lý. Tuy nhiên, để tránh những thiệt thòi cho doanh nghiệp vận tải cũng như tác động tới người dân, cách làm cần có sự điều chỉnh.
Tránh được ùn tắc nội thị
Là người tham gia vào quá trình góp ý đề xuất của Sở Giao thông Vận tải, ông Lê Trung Tính (Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh và du lịch TP.HCM) khẳng định cấm xe khách vào nội đô chắc chắn gây trở ngại đối với việc đi lại của cư dân thành phố.
Tuy nhiên, ông nhìn nhận với một đô thị lớn như TP.HCM nhất thiết phải có sự nghiên cứu điều chỉnh hoạt động xe ra - vào thành phố. Điều này nhằm đảm bảo người dân được đi lại thuận lợi và an toàn.
“Một thành phố đô thị cần có sách lược cho hoạt động vận tải để đảm bảo hài hòa giữa lợi ích, nhu cầu phát triển và sự đi lại của người dân”, ông Tính nói.
Dù có những trở ngại ban đầu, ông Tính cho rằng việc hạn chế, cấm xe khách cỡ lớn vào trung tâm sẽ được nhắm đến mục đích lớn hơn là giải quyết tình trạng ùn tắc nội thị, tác động ô nhiễm môi trường và giảm thiểu tai nạn giao thông.
Theo đó, việc xe khách cỡ lớn không xuất hiện trong trung tâm giúp tăng mỹ quan cho thành phố.
Xe khách giường nằm là đối tượng hạn chế vào nội đô từ nay đến 2025 theo đề xuất của Sở GTVT TP.HCM. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đồng quan điểm, ông Khương Kim Tạo, nguyên Phó chánh văn phòng Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia, cho rằng việc xem xét cấm xe khách vào nội đô là hợp lý vì phương tiện này gây cản trở giao thông. Tuy nhiên, ông cho rằng cần điều chỉnh về mặt thời gian cho phù hợp thay vì từ sáng đến sau 22h.
"Việc hạn chế phương tiện cồng kềnh chạy vào giờ cao điểm sẽ hợp lý vì việc xoay chuyển của xe trên đường rất khó khăn, sức chở của phương tiện cũng có mức độ", ông Tạo nói.
Trước đó, từ năm 2019, TP Đà Nẵng áp dụng cấm xe khách trên 30 chỗ ngồi lưu thông trên một số tuyến đường trung tâm TP Đà Nẵng trong thời gian cao điểm 10h30-12h và 16h30-19h hàng ngày.
Hồi tháng 4, Đà Nẵng thí điểm cho xe 30 chỗ chạy vào 3 tuyến đường trung tâm trở lại sau 3 năm hạn chế. Ảnh: Tuấn Lê. |
Tương tự Hội An, để giảm tải áp lực lên các tuyến phố và đảm bảo không gian du lịch, từ năm 2018, địa phương này cấm các loại xe chở khách trên 30 chỗ vào trung tâm trong khung giờ 16h30-22h.
Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Văn Sơn, Chủ tịch UBND TP Hội An (Quảng Nam), cho biết đến nay tình trạng kẹt xe vào giờ cao điểm của Hội An đã giảm rõ.
Tuy nhiên, để giải quyết căn cơ tình trạng này, TP Hội An đang tập trung xây dựng bãi xe và điểm đón tiếp ở khu vực xa trung tâm, từ đó trung chuyển khách vào tham quan phố cổ bằng xe điện. Trong tương lai, Hội An còn hướng đến việc mở rộng phố đi bộ và cấm hoàn toàn ôtô vào trung tâm giờ cao điểm. Người dân chỉ được sử dụng xe điện và xe đạp để dứt điểm kẹt xe.
Không nên cấm hoàn toàn
Theo phương án 1 của Sở GTVT, từ nay đến năm 2025, TP.HCM sẽ hạn chế các loại xe khách giường nằm lưu thông vào nội đô từ 6h đến 22h hàng ngày. Giai đoạn 2, từ 2025 đến 2030, thành phố hạn chế tiếp nhận xe khách trên 30 chỗ (trừ xe buýt, xe phục vụ đám tang, xe công vụ, các xe du lịch được cấp phù hiệu riêng khi TP.HCM ban hành).
Với phương án 2, khung giờ cấm tương tự phương án 1, song đối tượng hạn chế là xe khách trên 16 chỗ.
Trong hai phương án trên, ông Tính nhìn nhận phương án 1 có nhiều ưu điểm hơn. Song, với hai giai đoạn mà phương án 1 đưa ra, chuyên gia cho rằng giai đoạn 2 - cấm xe trên 30 chỗ từ năm 2025 cần xem xét lại.
“Có 2 loại xe, loại xe thứ nhất là xe du lịch, vận chuyển khách du lịch, theo quy định hiện hành thì loại xe này đã được cấp 'biển hiệu', không giống phương tiện khác là 'phù hiệu' nên cần được ưu tiên đúng luật du lịch”, ông Tính nói.
Đối với loại thứ 2 là xe vận chuyển hành khách hợp đồng trên 30 ghế, ông Tính cho rằng cần xem xét lại và không thể cấm hoàn toàn. Bản chất loại xe này nhằm phục vụ theo yêu cầu, hợp đồng của người dân với doanh nghiệp. "Tức họ muốn đi đến đâu là quyền của khách, miễn nơi đó không có quy định cấm cụ thể nào", chuyên gia cắt nghĩa.
Việc cấm xe khách vào nội đô thành phố nhằm giảm tải kẹt xe, hạn chế xe dù, bến cóc (quốc lộ 1). Ảnh: Chí Hùng. |
Trong đề nghị của Hiệp hội Vận tải hành khách liên tỉnh gửi các sở, ban ngành, ông Tính cho biết đơn vị đã đưa ra hai trường hợp gợi mở. Một là mở rộng cho loại xe hợp đồng giống xe du lịch để đảm bảo sự thuận tiện cho người dân. Hai là nếu nhất thiết phải cấm, thành phố phải cân nhắc ưu tiên loại trừ đối tượng xe hợp đồng trên 30 chỗ nằm trong phạm vi hành lang theo quyết định 23 để đảm bảo chủ xe này không chịu thiệt thòi về mặt quyền lợi.
“Bởi trải qua 2 năm đại dịch, khối doanh nghiệp vận tải gần như ‘chết đứng’. Cấm đoán sẽ không chỉ ảnh hưởng đến quyền lợi cá nhân của chủ xe mà còn ảnh hưởng đến hoạt động kinh tế của TP.HCM và cả nước”, chuyên gia nhận định.
Trước đó, TP.HCM từng ban hành quy định cấm xe khách trên 25 chỗ (6-22h) trên các tuyến đường tại quận 10 như Lê Hồng Phong, Trần Nhân Tôn, Vĩnh Viễn… và cấm xe khách trên 30 chỗ lưu thông trên đường Nguyễn Trãi (quận 5)... Việc hạn chế xe khách giường nằm vào nội đô cũng được lấy ý kiến cơ quan chuyên môn từ năm 2018 nhưng chưa được triển khai do lo ngại ảnh hưởng đến hoạt động của các doanh nghiệp du lịch.