Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Xin đừng quên nhau': Hoa như là bạn tri âm

Xưa chuyện nàng Lâm Đại Ngọc của "Hồng lâu mộng" khóc chôn hoa giữa mùa xuân đã trở thành câu chuyện mà người đời kể mãi về tấm lòng yêu hoa, về mối duyên giữa người và hoa.

Ở phương Tây xa xôi cũng có chuyện chàng hoàng tử bé say đắm một đóa hoa hồng mà quyết định trở về nhà, để được ở bên cạnh đóa hoa hồng ấy.

Ngẫm kỹ thấy những loài hoa thực có sự gắn bó lạ lùng đối với con người.

Nhà văn Phan Quang trong tập tạp bút Xin đừng quên nhau cũng đã khẳng định: “Hoa là cây cỏ vậy mà từ thời thượng cổ, người bất kỳ ở châu lục nào cũng đã xem hoa như là bạn tri âm, là sinh vật biết buồn vui thương như người, hoa dễ thể cùng người chia sẻ tâm tình”.

Đó có lẽ là nguồn cơn khiến Phan Quang yêu hoa, rồi say mê ngắm nghía, say mê tìm hiểu, để rồi gói ghém những điều được biết ấy mà đem dựng thành dáng hình của những loài hoa.

Tập sách Xin đừng quên nhau của Phan Quang, là tập hợp những tạp bút của tác giả viết trong nhiều khoảng thời gian khác nhau về các loài hoa mà ông đã có duyên gặp, duyên biết.

Tác giả lấy chuyện về hoa để nói đến chuyện đời sống con người (Hoa xương rồng), chuyện tình yêu (Thung lũng hoa hồng), hay nỗi buồn biệt ly trong cõi sống và cõi chết (Hoa trên mộ chí),... Mỗi câu chuyện đều có nét riêng, nhưng tựu chung lại là cảm giác phong tình của một kẻ sĩ say đắm hoa cỏ, sống một đời sống phong nhiêu, thưởng lãm.

ve sach Xin duong quen nhau anh 1
Tập tạp bút Xin đừng quên nhau của nhà văn - nhà báo Phan Quang.

Xin đừng quên nhau là một cuốn sách bé nhỏ trong sự nghiệp lừng lừng và đồ sộ của Phan Quang, nhưng nó như một tách trà buổi chiều, đậm đà mà êm đềm. Dạo một vòng sách, người đọc có thể thong dong chiêm ngưỡng rất nhiều loại hoa, từ hoa Forget me not của xứ Đà Lạt mù sương, hoa mai vàng đất phương Nam, là hương sen của đất Hà thành, là những nhành linh lan của đất Paris hoa lệ, là khóm dừa cạn của một miền quê nghèo...

Không chỉ bày tỏ tấm lòng quan sát tỉ mỉ trong tình yêu với thiên nhiên hoa cỏ, Phan Quang còn đem lại những khoảnh khắc trầm ngâm trong tâm hồn độc giả bởi những nhắc nhớ về quê hương, đất nước, dân tộc. Ấy là cái tâm tình dẫn dắt, là điều khiến những tạp bút của Phan Quang thêm phần đậm đà, sâu lắng.

Chế Lan Viên khi đọc những tạp bút viết về hoa của Phan Quang cũng từng nói rằng “Phan Quang không cưỡi ngựa xem hoa mà xuống ngựa, không phải chỉ nhằm xem lục béo, hồng gầy, ong mai, bướm tối thế nào mà còn tìm hiểu, ghi chép về gốc gác, lai lịch các loài hoa. Lượng đổi thành chất thế nào nhỉ, chứ ở đây, lượng thông tin, sự hiểu biết đã làm cho tăng chất xúc cảm...”

ve sach Xin duong quen nhau anh 2
Nhà văn - nhà báo Phan Quang.

Bước vào Xin đừng quên nhau, người đọc cũng sẽ có cảm giác được lắng nghe câu chuyện của một người có kiến thức sâu rộng, nhưng lại được kể bằng những ngôn từ giản dị, hồn hậu, đôi lúc còn có chút hài hước. Đọc cuốn sách thì thấy người viết có cái tâm tư thật nồng nhiệt, và cởi mở. Phải chăng, ấy cũng là từ lòng mến chuộng hoa cỏ, gần gũi hoa cỏ mà nên.  

Tác giả Phan Quang được xem là một hiện tượng hiếm gặp trong nền báo chí và văn đàn Việt Nam đương đại. Ông không chỉ là nhà báo tài ba, tâm huyết và lãng mạn với tầm bao quát rộng và sâu trong hàng chục cuốn sách chuyên về ký, bút ký và phóng sự mà nếu liệt kê ra đây cũng đầy kín cả vài trang viết, mà ông còn là nhà văn, nhà văn hóa, nhà ngoại giao – một chính khách tầm vóc và ấn tượng.

Dù nay tuổi đã cao, và đã có một sự nghiệp văn chương đồ sộ, nhưng khi được hỏi về chuyện nghỉ ngơi, Phan Quang đã từng chia sẻ rằng: “Tôi tự dặn phải cố gắng. Cố gắng nhiều hơn nữa, may ra mới không phụ lòng những tấm lòng tri ngộ”. Cũng bởi cái mong muốn ấy mà Phan Quang vẫn say mê viết, viết để cho xứng với những “tấm lòng trong thiên hạ”.

Có một giấc mơ mang tên Hà Nội

"Hà Nội thanh lịch" không phải một chuyên khảo về văn hoá hay lịch sử. Nó đơn thuần chỉ là một cuộc lãng du trong ký ức của tác giả.



Phong Linh

Bạn có thể quan tâm