Anh M.P., tài xế chạy xe buýt tuyến số 14 bến xe Miền Tây - Miền Đông, cho biết đa số tài xế và tiếp viên xe buýt đều dậy từ rất sớm để làm việc, thường từ 3 - 4h sáng phải vệ sinh, kiểm tra xe trước giờ khởi hành.
Đặc biệt là các tuyến kết nối các bến xe như Miền Tây, Chợ Lớn, Miền Đông, An Sương, Ngã tư Ga thì càng phải khởi hành sớm và kết thúc muộn hơn so với các tuyến khác để đón hành khách từ các vùng lân cận vào Sài Gòn.
Xe buýt thường bị các loại xe khác bao vây. |
“Dạo gần đây, có nhiều vụ tai nạn xe buýt gây chết người, ai cũng lên án tài xế chúng tôi là hung thần, chạy ẩu, giành đường rồi gây tai nạn, nghe cũng buồn lắm. Anh em tài xế chỉ là người lao động chân chính, kiếm tiền nuôi gia đình, mỗi ngày ôm vô lăng từ mờ sáng đến tối mịt, ai cũng mệt mỏi.
Khi xảy ra tai nạn, biết là gia đình nạn nhân đau khổ nhưng người gây ra vụ việc cũng đau buồn, tán gia bại sản để đền bù hậu quả”, anh P. chia sẻ.
Anh P. nói: “Nếu so với các loại xe khác như ben, tải và đầu kéo thì số vụ tai nạn mà xe buýt gây ra ít hơn thì việc lên án xe buýt là hung thần thì có phần oan ức cho chúng tôi”.
Anh Trần Trung Hiếu (29 tuổi, ngụ quận 12):
"Tôi tin rằng không chỉ riêng mình, mà bất cứ ai chạy xe máy ở Sài Gòn cũng nhiều lần bị thót tim với những cú cua đầu gấp của xe buýt, không xem tính mạng của người dưới đường ra gì".
“Không may va chạm với xe khác, nhẹ thì nhận những câu chửi khó nghe, nặng thì gây thương tích cho người khác. Lúc đó phải chạy đôn chạy đáo vay mượn lo cho nạn nhân mà chưa chắc nhận được sự thông cảm của người nhà, dù nguyên nhân không phải lúc nào cũng do xe buýt. Lúc đó khổ cả trăm bề”, anh Quân tâm sự.
Anh Quân kể, với tài xế chạy tuyến các trường đại học thì luôn trong tâm trạng lo lắng vì lúc nào cũng đông sinh viên, mà đường thì hay ùn tắc. Tuy các sinh viên ít hối thúc, nhưng tài xế cũng cố gắng chạy đúng giờ để các bạn không trễ học. Hơn nữa, nhiều tuyến đường tại TP.HCM khá chật, xe buýt phải lưu thông chung với nhiều loại phương tiện khác nên không thể tránh khỏi tai nạn.
“Những lúc cao điểm, khách trên xe thì đông, xe cộ dưới đường thì vây quanh, tài xế phải dùng hết tâm trí điều khiển để tránh bên này, né bên nọ chứ không như mọi người nghĩ xe buýt được ưu tiên, muốn rẽ là rẽ.
Còn hành khách thì không phải ai cũng lịch sự, khi họ muốn xuống trạm mà tài xế không nghe để dừng thì bị chửi. Chúng tôi thấy mình như làm dâu trăm họ, áp lực vô cùng”, anh Quân chia sẻ về những áp lực trong nghề.
Nhưng “ngán” nhất với cánh tài xế xe buýt là việc trễ giờ vì sẽ bị trừ tiền. Những khi xe đông, hay gặp sự cố thì chắc chắn về trễ, khi vi phạm thì bị trừ khoảng 100.000 đồng/chuyến và tài xế là người chịu trách nhiệm.
“Có thể vì áp lực thời gian, bị trừ tiền mà một số anh em phải chạy quá tốc độ để khỏi bị phạt, từ đó gây ra tai nạn và mang tiếng là hung thần. Thật sự thì anh em nào chạy xe buýt cũng muốn an toàn cho mình, hành khách và người đi đường cả”, anh Quân tâm sự.
Phạm Phương Nhi (21 tuổi, sinh viên Đại học Công nghiệp TP.HCM):
"Đối với sinh viên như chúng tôi những tiện ích mà xe buýt mang lại là rất lớn. Thường xuyên ngồi xe buýt nên tôi chứng kiến nhiều hình ảnh không đẹp của tài xế. Sợ và khó chịu nhất là việc xe đang chạy nhanh bỗng giảm tốc độ hoặc phanh đột ngột để vào đón trả khách. Những lúc như thế, nhiều người bị va vào nhau, vào cột, thành xe. Tội nhất là những người bị say xe, mỗi lần phanh đột ngột như vậy rất dễ bị nôn ói. Không những thế, nhiều tài xế còn một tay cầm vô lăng, một tay cầm điện thoại hoặc hút thuốc rất không an toàn".
Ông Nguyễn Thanh Hải (48 tuổi, ngụ quận Tân Bình):
"Về những vụ tai nạn liên quan đến xe buýt, theo tôi trong từng vụ cụ thể cũng chưa hẳn lỗi thuộc về tài xế xe buýt. Cứ mỗi lần xảy ra tai nạn xe buýt thương tâm thì lãnh đạo lại đổ lỗi chạy ẩu, còn tài xế thì than thở vì áp lực công việc, sợ bị phạt. Hạ tầng giao thông kém, đường sá chật chội, xe cộ tăng nhanh, xe buýt chưa có làn riêng, ý thức người đi đường kém,... theo tôi là nguyên nhân chính".