Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

'Đại phẫu' xe buýt Sài Gòn

Hàng loạt biện pháp chấn chỉnh sẽ được chấn chỉnh, từ giáo dục đạo đức, tác phong của tài xế, tiếp viên đến xử lý vi phạm xe buýt qua ghi hình phạt nguội, thiết lập đường dây nóng.

Sáng 21/3, Sở GTVT TP.HCM đã tổ chức họp báo để thông tin xung quanh những vấn đề tồn tại liên quan đến xe buýt.

Tiếp tục cắt nhiều tuyến không hiệu quả

Ông Dương Hồng Thanh, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, cho biết thời gian qua, báo chí phản ánh nhiều về các tuyến xe buýt trùng lắp, nhất là trên các con đường cửa ngõ vào trung tâm TP, bến xe, ga xe buýt và các đoạn phân luồng một chiều như: Xa lộ Hà Nội, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Xô Viết Nghệ Tĩnh, Trường Chinh…

Nhiều tuyến xe buýt trùng lắp trên đường Điện Biên Phủ, TP.HCM.

Sở GTVT TP.HCM đã chỉ đạo Trung tâm Quản lý - Điều hành vận tải hành khách công cộng (VTHKCC) trong tháng 5 này phải trình kết quả khảo sát, sắp xếp lại luồng tuyến, điểm đầu và cuối bến, chủng loại xe buýt phù hợp từng tuyến đường. Trong đó, tập trung điều chỉnh các tuyến có cự ly dài hơn 20 km.

Theo ông Thanh, trước mắt, trong năm 2015 sẽ ngưng hoạt động 6 tuyến, điều chỉnh 20 tuyến và tổ chức mới 3 tuyến xe buýt. Trước đó, Trung tâm Quản lý - Điều hành VTHKCC đã ngừng hoạt động 2 tuyến: Bến xe Chợ Lớn - Bình Hưng Hòa và Bến xe quận 8 - Bến xe An Sương, tiếp tục theo dõi 3 tuyến: Trường ĐH Bách khoa - ĐH Quốc gia, Bến xe Miền Đông - Bến xe An Sương và Bến xe Miền Tây - chợ nông sản Thủ Đức, đồng thời xem xét để giảm lộ trình 2 tuyến: Bến xe Chợ Lớn - Bình Trị Đông và Bến xe Miền Đông - KCN Tân Bình để giảm trùng lắp mạng lưới tuyến.

Đánh giá về tính hợp lý của mạng lưới tuyến xe buýt  hiện nay, Sở GTVT TP.HCM cho rằng chiều dài tuyến, hệ số và mật độ mạng lưới tuyến đều nằm trong tiêu chuẩn cho phép nhưng vẫn còn trùng lắp nên sẽ tiếp tục điều chỉnh.

TNGT: Có chủ quan lẫn khách quan

Nhiều vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe buýt xảy ra gần đây, đâu là nguyên nhân và giải pháp khắc phục là vấn đề được nhiều phóng viên đặt ra tại buổi họp báo. Ông Thanh cho biết từ đầu năm 2014 đến nay, TP.HCM xảy ra 11 vụ TNGT liên quan đến xe buýt, làm chết 2 người, bị thương 9 người (tăng 1 vụ so với cùng kỳ năm ngoái nhưng số người chết và bị thương không tăng).

Theo thống kê, thời điểm xảy ra TNGT chủ yếu rơi vào giờ cao điểm và tốc độ xe buýt nằm ở mức cho phép, không phóng nhanh. Trong đó, 3 vụ do xe máy đâm vào đuôi xe buýt làm 3 người bị thương, 2 vụ do 2 xe máy va chạm nhau và té vào xe buýt làm 2 người bị thương, 1 vụ do lỗi kỹ thuật của xe buýt làm 1 người bị thương, 4 vụ do xe gắn máy va chạm với xe buýt làm chết 1, bị thương 3 người và 1 vụ do lỗi chủ quan của tài xế xe buýt làm chết 1 người. Riêng 2 vụ TNGT trên đường Calmette - Lê Thị Hồng Gấm và đường Phan Đăng Lưu làm 2 người chết vẫn còn chờ CQĐT làm rõ nguyên nhân.

Ông Thanh cho rằng các quy định của Trung tâm Quản lý - Điều hành VTHKCC về giờ giấc, doanh thu không còn gây áp lực nào với tài xế. Về  khách quan, do đường sá chật hẹp, mật độ phương tiện cá nhân quá đông, xe buýt phải thường xuyên trộn dòng với xe máy nên dễ dẫn đến xung đột. Chưa kể đến nay, các dự án nghiên cứu làn đường riêng cho xe buýt vẫn chưa được triển khai vì chờ vốn. Về chủ quan, do tài xế lạm dụng được ưu tiên trộn dòng với xe máy làm tăng khả năng va chạm. Nhiều tài xế còn có thái độ không tốt như nhấn còi liên tục, ra vào trạm đột ngột, vượt mặt nhau khi lưu thông…

Để chấn chỉnh, hàng loạt giải pháp đã được Sở GTVT đưa ra, như: Tăng cường giám sát tốc độ của xe buýt thông qua thiết bị định vị GPS, thiết lập đường dây nóng để người dân phản ánh việc xe chạy ẩu,  khuyến khích người dân ghi hình tài xế vi phạm an toàn giao thông làm căn cứ xử phạt…

http://nld.com.vn/thoi-su-trong-nuoc/dai-phau-xe-buyt-20140321220636429.htm

Theo Người Lao Động

(Znews đặt lại tiêu đề bài viết)

Bạn có thể quan tâm