Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Từ 1/5, giá vé xe buýt có thể tăng gần gấp đôi

Sở GTVT Hà Nội đang đề nghị Thành phố tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/5, với mức tăng cao nhất là 43%.

Lý giải cho đề nghị tăng giá vé xe buýt lên gần 50%, cơ quan này cho rằng thu nhập bình quân của người dân Hà Nội năm 2013 đã tăng 25% so với năm 2012 nên có thể “kham” được.

Theo phương án được Sở GTVT yêu cầu, các mức vé được điều chỉnh cụ thể như sau: 

Cự li tuyến dưới 25km hiện đang có giá vé 5.000 đồng, nay được đề nghị tăng lên thành 7.000 đồng (tăng 40%); cự li tuyến từ 25 đến 30km hiện đang có giá vé là 6.000 đồng, nay tăng lên thành 7.000 đồng (mức tăng 16%); cự li trên 30km tăng từ mức 7.000 đồng hiện nay lên thành 8.000 đồng (mức tăng 14%).

Đối với vé tháng, loại ưu tiên 1 tuyến (học sinh, sinh viên) tăng từ 45.000 đồng lên 50.000 đồng/tháng (tăng 11%); loại ưu tiên liên tuyến (học sinh, sinh viên) tăng từ 90.000 đồng lên 100.000 đồng (tăng 11%); ưu tiên giảm 30% với đối tượng không ưu tiên mua theo hình thức tập thể: 1 tuyến là 70.000/tháng và liên tuyến là 140.000/tháng; đối tượng không ưu tiên 1 tuyến tăng từ 90.000 lên 100.000 (tăng 11%).

Đặc biệt, giá vé liên tuyến cho đối tượng không ưu tiên tăng mạnh nhất, từ 140.000 đồng/tháng lên 200.000 đồng/tháng (tăng 43%).

Sở GTVT đang đề nghị được tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/5.

Theo ông Nguyễn Hoàng Linh, Phó Giám đốc Sở GTVT, đợt điều chỉnh giá vé xe buýt lần này còn đưa ra những chính sách hấp dẫn hơn với người sử dụng sau khi Luật Thủ đô có hiệu lực. Ngoài việc tiếp tục sử dụng các chính sách nhằm thu hút người dân đi lại bằng xe buýt như miễn phí đi xe buýt với các đối tượng là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, người có công với cách mạng; các đối tượng là học sinh, sinh viên, người cao tuổi được giảm 50% vé tháng, còn bổ sung thêm đối tượng là công nhân các khu công nghiệp được giảm 50% vé giá vé tháng và hành khách mua vé tháng theo hình thức tập thể được giảm 30%.

Giải thích lý do tăng giá vé xe buýt trong thời gian ngắn (lần trước vào tháng 10/2012), ông Linh cho biết, biến động tăng của các yếu tố đầu vào khiến cho đơn giá bình quân 1km vận doanh của 3 loại xe năm 2013 tăng lên 11,5% so với năm 2012 và tăng 241% so với năm 2006 dẫn đến chi phí cho vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt ngày càng tăng.

“Chi phí cho hoạt động vận tải hành khách năm 2012 là 1.535 tỷ đồng và năm 2013 là 1.861 tỷ đồng, tăng 21,2% so với năm 2012 và sẽ tiếp tục tăng khi có biến động tăng của chi phí đầu vào”, ông Linh dẫn chứng.

Trả lời lý do vì sao từ năm 2006 đến năm 2010 mới tăng 1 lần mà nay chỉ sau hơn 1 năm đã lại tiếp tục tăng giá vé xe buýt, ông Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải cho biết, đó là thực hiện theo lộ trình. 

“Trong 8 năm, từ 2006 đến nay, giá vé được điều chỉnh 1 lần vào tháng 10/2010 nhưng mức điều chỉnh giá vé vẫn chưa đủ bù đắp chi phí tại thời điểm năm 2012”, Phó Giám đốc Sở GTVT giải thích.

Đặc biệt, một lý do quan trọng được vị này đưa ra, đó là, khả năng chi trả của hành khách tăng: “Trong những năm gần đây mức thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đã tăng đáng kể. Năm 2013, thu nhập bình quân của người dân Hà Nội đạt xấp xỉ 38 triệu đồng, tăng 25% so với năm 2012 và tăng 320% so với năm 2006 nên khả năng chi trả cho đi lại bằng xe buýt cũng tăng”.

Thêm nữa, ông Linh còn tỏ ra lo lắng đến khả năng cân đối ngân sách Thành phố năm 2014. Theo đó, do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế nên thu ngân sách của Thành phố thực tế giảm nhiều so với dự toán ngân sách năm 2013. “Nếu tiếp tục giữ nguyên vé thì sẽ gặp khó khăn trong việc đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân”, ông Linh nói.

Trả lời câu hỏi của phóng viên về việc sử dụng số doanh thu tăng thêm do, Phó Giám đốc Sở khẳng định: sẽ không có chuyện dùng một phần số tiền này để tăng thu nhập cho cán bộ công nhân viên ngành vận tải xe buýt bởi họ được hưởng lương theo chế độ và quy định của nhà nước.

Theo ông Linh, mục đích của việc điều chỉnh giá vé xe buýt trước hết là để đầu tư đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ, mở rộng mạng lưới tuyến thu hút tối đa người dân đi lại bằng xe buýt, đồng thời đảm bảo chi trợ giá của Ngân sách Thành phố cho xe buýt ở mức hợp lý. 

Trước đó, hồi tháng 11/2013, Sở GTVT cũng đã đề nghị Thành phố tăng giá vé xe buýt từ ngày 1/1/2014, tuy nhiên việc này đã không được Thành phố chấp thuận.

Nguyễn Vũ

Bạn có thể quan tâm