“Trách nhiệm của chúng tôi là thay đổi mạnh mẽ hình ảnh của xe buýt. Nếu không đổi mới, người dân sẽ bỏ xe buýt để quay lại xe cá nhân, khi đó tình hình kẹt xe càng thêm trầm trọng”, ông Tất Thành Cang, Giám đốc Sở GTVT TP.HCM, nhấn mạnh khi trao đổi với PV.
Giảm xe buýt lớn, tăng xe buýt nhỏ
- Xe buýt đã và đang gây nhiều bất an cho người dân. Là “tư lệnh” ngành giao thông của TP.HCM, ông giải quyết sự lo lắng này thế nào?
- Thời gian qua, xe buýt đóng góp lớn trong việc phục vụ nhu cầu đi lại của người dân TP. Cụ thể, năm 2013 xe buýt chở hơn 400 triệu lượt hành khách, góp phần ổn định giao thông cho TP. Nhưng cạnh đó, hoạt động xe buýt cũng có một số hạn chế, như từ đầu năm đến nay đã có 12 vụ tai nạn giao thông (TNGT) liên quan đến xe buýt làm bốn người chết.
Để kéo giảm TNGT liên quan đến xe buýt, vừa qua Sở GTVT đã chỉ đạo thực hiện nhiều biện pháp chấn chỉnh quyết liệt. Nhưng cũng phải nhìn nhận ý thức chấp hành pháp luật giao thông của người đi xe máy còn hạn chế khiến giao thông thêm hỗn loạn, dễ dẫn tới TNGT.
- Những biện pháp cụ thể để xe buýt trở nên thân thiện, an toàn với người dân là gì, thưa ông?
- Ngoài việc tăng cường xử phạt tài xế xe buýt chạy ẩu, Sở GTVT sẽ có phần thưởng tuyên dương các tài xế lái xe an toàn trong nhiều năm liền và tiếp viên phục vụ hành khách tốt. Dự kiến giải thưởng sẽ được trao vào tháng 5 hằng năm, có ý nghĩa cả về tinh thần lẫn vật chất để tạo động lực cho tài xế, tiếp viên ý thức hơn trong việc phục vụ người dân.
Một vụ va quẹt giữa xe buýt và ô tô con tại vòng xoay Lý Thái Tổ - Nguyễn Thị Minh Khai. |
Bên cạnh đó, Sở GTVT cũng chấn chỉnh công tác quản lý; tổ chức hợp lý các luồng tuyến, bến bãi, trạm dừng, nhà chờ, các điểm đầu, cuối bến nhằm đáp ứng tốt hơn nhu cầu đi lại của người dân.
Ngoài ra, chúng tôi tiếp tục đề nghị TP.HCM đầu tư đổi mới xe buýt cho phù hợp thực tế. Nghĩa là những loại xe buýt lớn (B80), xe buýt vừa (B40)… sẽ có số lượng cụ thể trên một số cung, đoạn đường phù hợp. Với các tuyến đường nhỏ, Sở GTVT kiến nghị Bộ GTVT, Chính phủ cho phép xe buýt dưới 16 chỗ hoạt động.
- Sở sẽ làm gì để giám sát những tài xế chạy ẩu, thưa ông?
- TP.HCM có trên 3.000 xe buýt, mỗi ngày có tới 17.000 lượt xe lưu thông nên cần có biện pháp quản lý phù hợp mới có thể kịp thời phát hiện, xử lý vi phạm. Sở GTVT sẽ phối hợp với CSGT để ghi hình phạt nguội những lỗi vượt ẩu, lấn tuyến, tranh giành khách… Chúng tôi cũng tính toán mức khen thưởng cụ thể nhằm khuyến khích người dân tham gia ghi hình xe buýt vi phạm để có cơ sở xử lý lái xe.
Tính toán làn đường dành riêng
- Nhiều lái xe than vãn đang bị áp lực trước cảnh “xe máy vây xe buýt” và đề nghị tách làn, giảm xe cá nhân. Sở GTVT sẽ xử lý các kiến nghị này ra sao?
- Thực tế hiện nay muốn tách làn đường riêng cho xe buýt là rất khó. Nhưng chúng tôi đang tính toán xây dựng làn đường dành riêng cho xe buýt trên trục đại lộ Võ Văn Kiệt và tuyến chợ Bến Thành - Nam Kỳ Khởi Nghĩa - Nguyễn Văn Trỗi - Cộng Hòa - Trường Chinh…
Đúng là hiện TP.HCM có quá nhiều xe máy, gây ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của xe buýt. Nhưng muốn hạn chế xe cá nhân thì cần phải có nhiều giải pháp căn cơ chứ không thể nói là làm ngay được. Trước hết phải phát triển vận tải hành khách công cộng sao cho phù hợp túi tiền và đáp ứng nhu cầu về thời gian, sự tiện dụng của người dân. Muốn vậy thì phải tổ chức kết nối tốt giao thông công cộng, kể cả phát triển thêm loại hình xe đạp công cộng.
- Chúng ta muốn phát triển vận tải hành khách công cộng nhưng tại sao giá vé xe buýt lại đang được tính toán theo hướng tăng?
- Sở GTVT đang đánh giá đầy đủ chi phí vận hành của một chuyến xe buýt, từ đây có chính sách phù hợp để ổn định giá vé xe buýt và kéo giảm trợ giá (như hỗ trợ vốn, lãi suất, điều kiện quảng cáo thương mại trên thân xe buýt).