Phải nhắc lại rằng, U19 Việt Nam đã hoàn thành chỉ tiêu khi vào đến trận chung kết giải U19 Đông Nam Á. Thậm chí, đó còn được xem là thành công với một tập thể đến từ nhiều trung tâm, được tập trung chuẩn bị vỏn vẹn một tháng và không có kinh phí để tập huấn nước ngoài.
Nhưng sự thua kém toàn diện của U19 Việt Nam trước U19 Thái Lan không thể không dẫn dắt khán giả liên tưởng đến những màn thể hiện của lứa cầu thủ Công Phượng trước đối thủ sừng sỏ này trong 2 năm 2013-2014.
Nỗi buồn của U19 Việt Nam sau khi thua trận. |
U19 Việt Nam của 2 năm trước từng 2 lần vượt qua U19 Thái Lan, một lần ở giải U19 Đông Nam Á 2013 (tỷ số 3-2), một lần ở giải U22 Đông Nam Á Hassanal Bolkiah Trophy 2014 (1-0). Và điều quan trọng là những chiến thắng ấy đều diễn ra thuyết phục, chứ không phải sản phẩm của sự chộp giật.
Vấn đề đặt ra không phải là đội nào được đầu tư nhiều và ăn tập cùng nhau lâu hơn, mà là triết lý bóng đá 2 tập thể nêu trên theo đuổi.
U19 Việt Nam của năm 2015 rõ ràng không được xây dựng theo lối chơi phối hợp kỹ thuật của lớp đàn anh 2 năm trước. Ví dụ rõ nét của điều này là những cầu thủ khéo léo như Thanh Hậu hay Quang Hải chỉ đóng vai trò phụ ở đội bóng của HLV Hoàng Anh Tuấn.
Trong khi đó, những cầu thủ có thể hình, thể lực tốt, sở hữu khả năng càn lướt và tranh chấp mới là các trụ cột của U19 Việt Nam. Nguyên liệu này là nền tảng trong lối chơi giàu sức mạnh thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn theo đuổi.
Đức Chinh (áo trắng) là cầu thủ rất giàu sức mạnh của U19 Việt Nam. |
Trước khi bước vào trận chung kết, đã có những ý kiến hân hoan về việc thể lực của các cầu thủ vẫn rất sung mãn. Bên cạnh đó là thành tích ấn tượng không để thủng lưới bàn nào sau vòng bảng.
Nhưng trên thực tế, lối chơi của U19 Việt Nam chỉ đủ sức “bắt nạt” những đội bóng yếu như U19 Đông Timor hay U19 Singapore. Với những đối thủ ngang tầm như U19 Malaysia hay U19 Myanmar, các học trò của HLV Hoàng Anh Tuấn không cho thấy khả năng kiểm soát thế trận một cách chủ động và chắc chắn. Cuối cùng, họ quá nhỏ bé trước trình độ của U19 Thái Lan.
Như thế cũng có nghĩa, phương châm gạt sang một bên cái đẹp để theo đuổi sự thực dụng, như tuyên bố của HLV Hoàng Anh Tuấn trước ngày lên đường, cũng không phải thứ vũ khí đủ sức đưa U19 Việt Nam đi đến cái đích cuối cùng.
Xét ở tầm khu vực, bóng đá Malaysia sau chu kỳ thành công vài năm trước, gắn với thứ bóng đá thiên về sức mạnh, đã phải nhường chỗ cho Thái Lan lên ngôi với triết lý bóng đá phối hợp kỹ thuật. U19 Thái Lan tại giải U19 Đông Nam Á 2015 là sự kế thừa về mặt lối chơi mà đội tuyển quốc gia lẫn đội tuyển U23 nước bạn theo đuổi.
Đó là sự gợi ý gần gũi với bóng đá Việt Nam. Vì sự thực dụng, lối chơi thiên về sức mạnh từ các đội bóng do HLV Miura dẫn dắt đến lứa cầu thủ U19 hiện tại, tất cả đều mang đến những đáp án không khả quan.
U19 Việt Nam của lứa Công Phượng đã vượt trên tầm khu vực và hướng đến mục tiêu cạnh tranh với những đối thủ tầm châu lục như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Trung Quốc. |
U19 Việt Nam của lứa Công Phượng cũng chỉ giành ngôi á quân ở giải U19 Đông Nam Á, nhưng triển vọng của đội bóng ấy là thứ không ai phủ nhận sau mỗi giải đấu.
Cách họ thất bại cũng rất khác với U19 Việt Nam năm 2015. Tại giải U19 Đông Nam Á năm 2013, Công Phượng cùng đồng đội thua U19 Indonesia sau loạt sút luân lưu trong trận chung kết. Đến giải U19 Đông Nam Á 2014, đội khách mời U19 Nhật Bản ở đẳng cấp quá cao so với mặt bằng khu vực.
Thế nên, với rất nhiều cổ động viên, thất bại của thầy trò HLV Hoàng Anh Tuấn trước U19 Thái Lan tối 4/9 chỉ càng làm dầy thêm nỗi nhớ về U19 Việt Nam của 2 năm trước.