Tạp chí National Interest cho biết những năm Thế chiến II, xe tăng Nhật Bản không được đánh giá cao trên chiến trường, thậm chí lép vế so với xe tăng của Mỹ và Liên Xô. Xe tăng chủ lực của Nhật trong Thế chiến II là Type-97 Chi Ha được cho là kém xa cả thập kỷ trong bối cảnh công nghệ xe tăng phát triển rất nhanh chóng.
Những năm sau Thế chiến II, khi Nhật Bản xây dựng lại nền công nghiệp xe hơi và xe tải, họ cũng phát triển nền công nghiệp xe tăng quy mô nhỏ để thay thế các xe tăng M4 Sherman và M24 Chaffee. Khởi đầu bằng loại Type-61, tiếp đến là Type-74, Type-90 và mới nhất là Type-10.
Các xe tăng do Nhật Bản chế tạo đều được đánh giá rất cao so với các đối thủ tiềm tàng của họ. Mỗi thiết kế mới có rất ít điểm chung so với phiên bản trước, tạo ra thế hệ xe tăng mới với nhiều điểm vượt trội.
Type-10, đỉnh cao công nghệ
Viện Nghiên cứu và Phát triển Kỹ thuật Nhật Bản, bắt đầu phát triển xe tăng thế hệ thứ 4 Type-10 vào năm 2002. Xe tăng mới được thiết kế để bổ sung cho xe tăng hạng nặng Type-90 và thay thế Type-74.
Type-10 có thiết kế nhỏ hơn, nhấn mạnh vào tính năng cơ động chiến thuật nhằm phù hợp với cơ sở hạ tầng đường sá ở Nhật Bản. Luật pháp Nhật cấm xe tăng hạng nặng di chuyển ở hầu hết các tuyến đường, gây khó khăn cho việc triển khai lực lượng.
Do đó, Type-10 được thiết kế nhẹ hơn để có thể di chuyển trên hầu hết tuyến đường mà không vi phạm pháp luật. Bên cạnh đó, thiết kế nhẹ hơn cũng phù hợp để vận chuyển bằng đường không, đường biển đến các điểm nóng.
Xe tăng Type-10 khai hỏa trong một cuộc tập trận. Ảnh: Sina |
Type-10 sử dụng pháo chính nòng trơn Rheinmetall L44 120 mm sản xuất theo giấy phép từ Đức. L44 là loại pháo tăng tốt nhất thế giới hiện nay. Pháo chính sử dụng hệ thống nạp đạn tự động cho phép giảm ê kíp vận hành xuống còn 3 người. Pháo L44 có thể bắn nhiều loại đạn khác nhau theo tiêu chuẩn NATO.
Vũ khí phụ gồm có súng máy đồng trục 7,62 mm, đại liên điều khiển từ xa 12,7 mm. Người ta trang bị cho Type-10 giáp nano tinh thể thép siêu bền, kết hợp với module giáp gốm tổng hợp cho phép chống chịu rất tốt với các loại súng chống tăng cá nhân.
Type-10 có hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến cho phép tấn công những mục tiêu cố định hay đang di chuyển với độ chính xác cao. Nó còn có hệ thống quản lý chiến trường kỹ thuật số và hệ thống định vị cho phép nâng cao nhận thức tình huống.
Một tính năng đặc biệt của Type-10 là khả năng kết nối mạng không dây giữa các xe tăng với nhau giúp nâng cao nhận thức tình huống trên chiến trường.
Xe tăng được trang bị động cơ diesel công suất 1.200 mã lực cho phép đạt tốc độ tối đa 70 km/h, dự trữ hành trình 500 km. Nó có hệ thống treo thủy lực đặc biệt có thể điều chỉnh độ cao, độ nghiêng của xe theo từng điều kiện sử dụng khác nhau.
Khó xuất khẩu
Kyle Mizokami, nhà phân tích quốc phòng ở San Fransico, Mỹ nhận định Type-10 là một thiết kế tuyệt vời. Khả năng cơ động cao, hỏa lực mạnh, hệ thống điều khiển hỏa lực tiên tiến là những thế mạnh của xe tăng này. Tuy nhiên, trọng lượng nhẹ lại trở thành nhược điểm của xe, người ta phải bọc giáp mỏng hơn để giảm trọng lượng, do đó xe dễ bị tổn thương trước vũ khí chống tăng.
Xe tăng Type-10 hay các vũ khí khác của Nhật Bản khó tiếp cận thị trường xuất khẩu do thiếu chính sách phù hợp. Ảnh: JGSDF |
Nhật Bản đã bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, mở ra cơ hội có Type-10 tiếp cận thị trường thế giới. Tuy nhiên, ông Mizokami cho rằng xe tăng Type-10 khó đạt được thành công ở thị trường nước ngoài như M1 Abrams của Mỹ, hay Leopard 2 của Đức.
Vũ khí Nhật Bản hầu như không được giới thiệu tại các triển lãm quốc phòng lớn trên thế giới nên ít được biết đến. Các đặc tính kỹ, chiến thuật của vũ khí Nhật Bản như xe tăng Type-10 chủ yếu được biết đến ở mặt lý thuyết mà chưa có cơ hội kiểm chứng như xe tăng Mỹ, Đức.
Ngoài ra, các nhà phân tích từng nhận định Nhật Bản thiếu chiến lược cụ thể để đẩy mạnh xuất khẩu quốc phòng. 2 năm sau tuyên bố bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí, Tokyo vẫn chưa ký được hợp đồng nào.