AP đưa tin một chiếc xe tang đã đưa thi thể cố Thủ tướng Abe từ bệnh viện trở về nhà ở thủ đô Tokyo trong ngày 9/7.
Vợ ông Abe cũng có mặt khi chiếc xe đưa thi thể ông đi qua đám đông báo giới.
Đoàn xe được cho là chở thi hài của cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe, người bị ám sát khi đang vận động bầu cử quốc hội, rời khỏi Bệnh viện Đại học Y Nara, ở Kashihara, tỉnh Nara, Nhật Bản ngày 9/7. Ảnh: Reuters. |
Trước đó, Bệnh viện Đại học Nara cho biết ông Abe bị thương ở tim cùng hai vết thương ở cổ, khiến ông mất máu nặng. Kể từ lúc nhập viện, ông Abe đã không còn dấu hiệu sự sống.
Các bác sĩ cho biết ông Abe được đưa vào bệnh viện ở Nara trong tình trạng mất máu, ngừng thở, tim dừng hoạt động. Cựu thủ tướng Abe được xác nhận tử vong hôm 8/7 sau thời gian nhận truyền máu liên tục.
Nghi phạm 41 tuổi tên Tetsuya Yamagami bị cảnh sát bắt giữ ngay tại hiện trường. Nhà chức trách cho biết nghi phạm sử dụng vũ khí là một khẩu súng tự chế dài khoảng 40 cm. Cảnh sát đã tìm thấy một số vũ khí tương tự khi lục soát nhà nghi phạm.
Đài NHK đưa tin cảnh sát cho biết sau khi bị bắt giữ, Yamagami khai rằng ông ta “thất vọng” với ông Abe và lên kế hoạch giết cựu thủ tướng.
Tuy nhiên, nghi phạm lại khẳng định rằng không tấn công ông Abe vì niềm tin chính trị.
Nghi phạm cũng nói thêm ông ác cảm với một tổ chức cụ thể và tin rằng ông Abe nằm trong tổ chức này, theo cảnh sát Nara.
Trong khi đó, báo Mainichi đưa tin Yamagami khai với cảnh sát rằng mục tiêu ông ta nhắm tới không phải ông Abe.
Nghi phạm khẳng định mục tiêu thực sự là thủ lĩnh một nhóm tôn giáo (tên cụ thể chưa được công bố). Tuy nhiên, quan chức thuộc nhóm tôn giáo mà nghi phạm nhắc tới không có mặt ở hiện trường ở thành phố Nara trong vụ ám sát ngày 8/7.
Cố Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe được chuyển lên cáng đưa vào bệnh viện sau khi bị bắn ở thành phố Nara hôm 8/7. Ảnh: AFP. |
Đây là lần đầu tiên một lãnh đạo của Nhật Bản - dù còn tại vị hay đã nghỉ hưu - bị ám sát kể từ thập niên 1930. Ông Abe bị bắn 2 phát vào lúc 11h30 ngày 8/7 tại một sự kiện ở tỉnh Nara, Nhật Bản. Sau thời gian tỉnh táo ban đầu, ông bị ngừng tim hô hấp, bất tỉnh và không có dấu hiệu sinh tồn.
Vụ sát hại ông Abe (67 tuổi), người từng là nhà lãnh đạo tại vị lâu nhất của Nhật Bản, đã gây choáng váng cho cả trong nước và khiến dư luận quốc tế vô cùng đau buồn và lên án.
Mọi chuyện càng gây sốc hơn khi Nhật Bản có luật kiểm soát nghiêm ngặt về súng và tỷ lệ tội phạm bạo lực thấp. Thủ tướng Fumio Kishida đã mô tả vụ ám sát là một "hành động man rợ" và "hoàn toàn không thể tha thứ".