Tương tự như các dịch vụ taxi chuyên phục vụ khách hàng chơi Pokemon Go từng có trên thế giới, Việt Nam cũng đã xuất hiện những dịch vụ xe ôm, taxi cho game thủ, với nhiều hình thức và chiêu trò để cạnh tranh. Bên cạnh đó, các dịch vụ taxi, xe ôm truyền thống cũng đắt khách hơn nhờ nhu cầu gia tăng.
"Mình thực sự ngạc nhiên khi lên xe taxi, câu đầu tiên thay vì đi đâu, tài xế hỏi có đi bắt Pokemon không", Nguyễn Hà, một nhân viên văn phòng ở quận 4, TP HCM cho biết. Theo chị, người tài xế cho biết chỉ trong một buổi sáng anh đã gặp đến 4 người khách yêu cầu đi vòng quanh khu trung tâm quận 1 để bắt Pokemon.
Nhiều người chơi tại Việt Nam đang chọn cách bắt pokemon bằng taxi, xe ôm thay vì tự di chuyển để tránh rủi ro. Ảnh: Duy Tín. |
Nói với Zing.vn, Nguyễn Văn Đông, tài xế taxi tại quận 7 cho biết anh vừa chở một nhóm khách đi lòng vòng khu Phú Mỹ Hưng và sang quận Gò Vấp để bắt Pokemon.
"Nhóm khoảng 3-4 người trẻ. Họ vừa bắt vừa la hét ầm ĩ trên xe. Nhưng đi taxi bắt Pokemon thế này tôi thấy an toàn hơn là đi bộ hay xe máy. Nhiều người dán mắt vào điện thoại có thể bị cướp hoặc tai nạn", anh Đông chia sẻ.
Không chỉ riêng taxi chính thống, một số dịch vụ xe ôm tự phát ăn theo mùa Pokemon Go tại Việt Nam cũng bắt đầu nở rộ. Trong các hội chơi trên Facebook, nhiều thành viên chào mời dịch vụ đưa đón đi bắt Pokemon với giá 50.000 đồng mỗi giờ, có hỗ trợ cục phát Wi-Fi, sạc dự phòng và cam kết di chuyển chậm để "đánh lừa" game rằng người chơi đang đi bộ. Các tài xế xe ôm này thuộc lòng các khu vực có nhiều PokeStop và Gym để phục vụ người chơi.
"Sáng giờ tui chở được 4 người đến công viên Tao Đàn. Họ chỉ yêu cầu đi chậm để bắt con gì đó", anh Nguyễn Công Thành, một người chạy xe ôm quanh khu vực Hồ Con Rùa, quận 3, TP HCM cho biết. Theo anh, những ngày gần đây khách yêu cầu đến những địa điểm công cộng như công viên Tao Đàn, Lê Thị Riêng và phố đi bộ Nguyễn Huệ tăng đột biến.
Một người chơi đi xe ôm bắt pokemon chia sẻ trên trang cá nhân. |
Theo Nguyễn Văn Hoà, một game thủ tại TP HCM, nếu may mắn người chơi có thể gọi được tài xế xe ôm trẻ, cũng chơi Pokemon làm bạn đồng hành. "Họ thuộc cả những nơi có nhiều pokestop như công viên, đền miếu, nên tiện. Đi xe ôm cũng không cần lo tìm bãi gửi xe và lúc nào thích thì dừng, giá cũng rẻ", Hoà cho biết.
Nhiều người sở hữu xe hơi, xe du lịch cỡ nhỏ cũng tranh thủ đón đầu trào lưu bằng cách chở các nhóm người chơi Pokemon Go đi săn thú ảo. "Bên mình cho thuê xe du lịch, có đủ các loại từ 7 chỗ, 6 chỗ hoặc cao hơn. Mở dịch vụ săn Pokemon cho các nhóm bạn trẻ. Đi loanh quanh trung tâm hoặc về miền quê tuỳ ý", tài khoản Nguyễn Thanh Loan đăng trên một diễn đàn game trong nước.
Không chỉ ở TP HCM, Hà Nội, dịch vụ này cũng nở rộ tại Phan Thiết, Nha Trang, Đà Nẵng và nhiều đô thị khác tại Việt Nam.
Theo những người rao dịch vụ này, với những nhóm đông, chi phí mỗi thành viên phải bỏ ra cho một buổi "đi săn" chỉ tầm vài chục đến một trăm ngàn đồng.
Nắm bắt được trào lưu đang nóng tại Việt Nam, ứng dụng đặt xe Grab cũng ra mắt chương trình khuyến mãi cho người dùng. Theo đó, người chơi chỉ cần bắt taxi ra phố đi bộ Nguyễn Huệ (quận 1, TP HCM) để được giảm cước khoảng 30.000 đồng.
Theo nhiều người dùng, khuyến mãi này ra đời để cạnh tranh với Uber, khi trước đó có nhiều game thủ chọn dùng dịch vụ này để bắt Pokemon vì tài xế có thể linh động các tuyến đường có PokeStop mà không bó buộc vào lịch trình ngắn nhất.
Trước Việt Nam, nhiều chiêu kinh doanh tương tự cũng đã ra đời ở những thị trường được phát hành sớm Pokemon Go. Tại Singapore, Israel, Mỹ, Canada đều có những công ty, dịch vụ "ăn theo" trò chơi này. Các ứng dụng đặt Taxi cũng cạnh tranh nhau bằng cách đưa ra những gói khuyến mãi để thu hút người chơi.
Tuy nhiên, phần lớn game thủ quốc tế đều lựa chọn đi bộ, xe đạp hoặc ván trượt tự cân bằng (hoverboard), bởi giá cước taxi ở các thành phố lớn tương đối đắt đỏ và không thể di chuyển đến những ngõ ngách. Theo Bloomberg và Reuters, doanh thu từ những dịch vụ ăn theo này không nhiều và thường được "khai sinh" từ những công ty vận tải hay dịch vụ lữ hành có vốn liếng, chỉ muốn dùng chiêu trò để quảng bá hình ảnh thông qua Pokemon Go chứ không đặt nặng doanh thu.