UBND TP. Hà Nội đang lấy ý kiến người dân về Dự thảo quyết định việc sử dụng môtô, xe gắn máy, xe thô sơ để kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa trên địa bàn.
Hà Nội lấy ý kiến người dân về việc xe ôm phải có thẻ hành nghề. Ảnh: Tư liệu. |
Dự thảo quy định, người điều khiển các phương tiện trên để chở khách hay hàng hóa phải đăng ký với UBND phường, xã, thị trấn để xác nhận đóng dấu vào Thẻ hoạt động vận chuyển. Thẻ này do tổ chức, cá nhân tự in ấn theo mẫu.
UBND xã, phường, thị trấn được giao bố trí vị trí đón trả khách cho xe ôm và xếp dỡ hàng hóa cho xe gắn máy, xe thô sơ tham gia kinh doanh.
UBND TP. Hà Nội cũng khuyến khích cá nhân tham gia hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách, hàng hóa bằng xe mô tô, xe gắn máy, xe thô sơ tham gia, thành lập các tổ chức (hợp tác xã, hội nghề nghiệp) để giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động.
Cũng theo dự thảo, người chạy xe ôm hay chở hàng khi hoạt động phải mang theo các giấy tờ, như: Giấy chứng nhận đăng ký xe, giấy phép lái xe (điều khiển xe môtô hai bánh), giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới còn hiệu lực, giấy chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân còn hiệu lực, thẻ hoạt động vận chuyển đúng theo quy định.
Trước đó, vào cuối năm 2019, Sở GTVT Hà Nội cũng đã từng dự thảo quy định về quản lý và sử dụng xe thô sơ, xe gắn máy, môtô hai bánh và các loại tương tự để vận chuyển hành khách, hàng hóa.
Đề xuất này đã vấp phải ý kiến trái chiều từ dư luận, đặc biệt là đội ngũ những người đang hành nghề xe ôm.
Ông Nguyễn Văn Bình (Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết: Vợ chồng ông từ Hòa Bình xuống Hà Nội thuê nhà để mưu sinh. Vợ ông đi làm giúp việc theo giờ, còn ông hàng ngày chạy xe ôm cho mấy nhà quen gần nơi ông trọ.
“Họ thuê tôi sáng đưa trẻ đi học, chiều đón về. 2 nhà khác thì thuê tôi chở trẻ đi học thêm. Tôi là dân ngụ cư, nếu yêu cầu phải đi xin xác nhận để được “cấp thẻ hành nghề” tại phường tôi đang ở liệu có dễ không?
Hầu hết người hành nghề xe ôm như tôi đều từ địa phương khác về, việc đi xin xác nhận ở phường liệu có gặp khó khăn? Có làm cho chúng tôi thêm nhiều thủ tục, đẩy chúng tôi vào thế…đã khổ thêm khó hay không?”, ông Bình băn khoăn.
Còn chuyên gia giao thông TS. Phan Lê Bình, Trưởng đại diện văn phòng tư vấn OCG Nhật Bản tại Việt Nam băn khoăn: Xe ôm phải có thẻ hành nghề để làm gì?.
“Tôi chưa nhìn thấy mục đích của quy định xe ôm phải có thẻ hành nghề. Và thành thật mà nói cảm giác đề xuất như một rào cản về mặt hành chính chứ không hẳn phục vụ mục đích lớn lao liên quan đến giao thông”, TS. Phan Lê Bình bày tỏ.
Ông cho biết thêm, hiện còn bộ phận rất nhỏ xe ôm hành nghề tự do, không đăng ký. Còn phần lớn họ đã chuyển thành thành viên của một hãng xe ôm công nghệ nào đó. Tại các hãng này, để có tài khoản vận hành, họ sẽ xác nhận bằng lái xe của tài xế. Như vậy cũng đã khẳng định tính pháp lý của các lái xe.
“Vậy tại sao phải phát sinh thêm thẻ hành nghề nữa? Điều này sẽ tạo thêm khó khăn cho những người vốn thu nhập không phải cao trong xã hội”, TS. Phan Lê Bình bày tỏ.
Lý giải với VietNamNet về nội dung này, ông Nguyễn Tuyển, Trưởng phòng Quản lý vận tải, Sở GTVT Hà Nội cho biết, mục tiêu của việc cấp thẻ hành nghề với xe ôm nhằm đảm bảo trật tự ATGT, trật tự đô thị, đảm bảo an toàn cho hành khách chứ không phát sinh thủ tục gây khó khăn.
“Chúng tôi muốn hướng tới mục tiêu đảm bảo an toàn cho hành khách. Khi xe ôm có thẻ hành nghề, có sự nhận diện, chính quyền địa phương sẽ ưu tiên vị trí đón khách, xếp hàng hóa thay vì sự tuỳ tiện như hiện nay. Người có thẻ sẽ được ưu tiên hơn”, ông Tuyển nói.
Cũng theo đại diện Sở GTVT Hà Nội, với xe ôm công nghệ chở khách của các hãng, đa phần đều có logo thương hiệu riêng để phân biệt và giúp người tiêu dùng nhận diện. Song, tình trạng phóng nhanh vượt ẩu, mất an toàn giao thông rất lớn. Do đó cần thiết quản lý với đội ngũ tài xế xe hai bánh.
Tuy nhiên, đại diện Sở GTVT cũng nhấn mạnh, hiện Thành phố mới đang lấy ý kiến rộng rãi, trong trường hợp đề xuất không được đồng thuận thì sẽ không thể ban hành.
Những cuốn sách hay về đô thị Hà Nội
Hà Nội chuyện xưa phố cũ gồm 39 đoản văn biên khảo về các hoạt động ở Hà Nội giữa thế kỷ XX trở về trước, từ chuyện phố xá, quy hoạch, đến chuyện ăn, chuyện mặc,... của người Hà thành.
Mùa đi qua phố - bạn đọc sẽ rung động theo những cảm nhận riêng, đôi khi rất khác nhau về Hà Nội trong bốn mùa xuân, hạ, thu, đông.