Gặp gỡ Hiếu vào buổi sáng cuối tuần tại quán cà phê quen thuộc mà Hiếu và bạn bè cùng chạy xe ôm chung hay “tụ tập”, chàng trai quê Tiền Giang với vóc dáng thư sinh, ăn nói hoạt bát, chia sẻ về mô hình “xe ôm 4K” trong sự hứng khởi, tự hào về những gì mình và bạn bè đã làm được.
Đi loanh quanh cũng chỉ hết 10.000 đồng
Bắt đầu từ việc giúp đỡ một bạn nữ về khuya tại khu vực Đại học Quốc gia, chàng sinh viên năm cuối Đại học Công nghệ thông tin (CNTT), Đại học Quốc gia TP.HCM, quyết định mở dịch vụ xe ôm.
"Hôm đó, một trạng thái trên group hội những người ở KTX của một bạn nữ cần được giúp đỡ muốn đi từ KTX khu A về khu B, nhưng khuya, xe ôm bên ngoài không an toàn. Thấy thế tôi từ khu B chạy sang rước bạn.
Sau hôm đó, tôi và một người bạn tên Phúc mở dịch vụ chạy xe ôm, với mục đích đưa rước các bạn sinh viên về khuya tại làng đại học và các bến xe trên địa bàn TP.HCM", Hiếu kể.
Tất cả lái xe đều là sinh viên thuộc Đại học Quốc gia. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Hiếu và nhóm bạn chia sẻ mình cũng là sinh viên, biết khu vực làng đại học khá nguy hiểm, đặc biệt đối các bạn sinh viên nữ mới nhập học. Giá cước xe ôm tại khu vực này cũng khá đắt so với sinh viên, nên nhóm quyết định mở dịch vụ xe ôm chở các bạn khi cần thiết.
Để thực hiện mô hình, ban đầu Hiếu và bạn để lại số điện thoại trên fanpage của KTX khu A, B và các trường thành viên Đại học Quốc gia. Các bạn sinh viên muốn đi sẽ gọi điện thoại đặt trước với giá cước là 4.000 đồng/km.
Nhóm chủ yếu phục vụ cho sinh viên đi lại quanh làng đại học, nhưng nếu các bạn có nhu cầu đi xa hơn nhóm cũng phục vụ, với điều kiện phải gọi đặt trước để nhóm sắp xếp lịch hoc, làm thêm phù hợp.
Hiện tại, nhóm "xe ôm 4K" có 15-16 thành viên thường trực, là những bạn nam sinh viên của các trường thành viên Đại học Quốc gia. Ngoài ra còn có một bạn nữ tham gia, bạn nữ này được nhóm đặc cách không nhận khách vào buổi tối, vì khá nguy hiểm.
Do tất cả đều là sinh viên, nên cước phí cũng khá sinh viên. Nếu đi loanh quanh trong làng đại học, hay từ KTX khu A, về khu B hoặc ngược lại chỉ với giá 10.000 đồng.
Hiếu cho biết ban đầu bản thân và các thành viên trong nhóm gặp không ít khó khăn, bị cánh tài xế xe ôm truyền thống “dằn mặt” vì cho là giành khách. Hiện nay, khi thị trường có dịch vụ xe ôm của các hãng khác thì nhóm đã dễ dàng hơn trong việc vận chuyển khách, nhất là những bạn muốn đi xa hơn khu vực làng đại học.
Các thành viên của nhóm cho biết, lúc cao điểm nhu cầu đi lại nhiều như lễ, Tết, đầu năm học, các "xe ôm" chạy tất bật. Hai tuần trước Tết, có bạn chạy được hơn 1 triệu đồng.
"Ở quê người ta nói em lên Sài Gòn chạy xe ôm"
Chia sẻ thêm về những kỷ niệm vui khi làm công việc này Hiếu kể, ban đầu chạy cũng hơi ngại, nhưng về sau khi xác định được mục đích giúp đỡ các bạn sinh viên thì Hiếu và nhóm bạn cũng đỡ ngại hơn. Nhưng mỗi lần về quê, Hiếu vẫn không thể tránh được ánh mắt của hàng xóm, khi cho rằng bạn lên Sài Gòn để chạy xe ôm.
Minh Lộc (quê Quảng Ngãi) cũng là sinh viên Đại học CNTT, chia sẻ bạn tham gia nhóm với Hiếu cũng khá lâu. Trước đây chưa chạy xe ôm thì Lộc làm phục vụ quán cơm, nhưng do chạy xe ôm này vừa vui, giúp đỡ được nhiều bạn cũng có ít thu nhập nên Lộc bắt đầu xem nó như một công việc làm thêm.
Lộc kể có những đêm có sinh viên từ dưới quê lên Sài Gòn nhưng 2h sáng mới đến, trong khi quy định của KTX là đóng cửa lúc 23h, Lộc phải ra bên xe trước giờ KTX đóng cửa, và... chạy vòng vòng ga Sài Gòn 4 tiếng đồng hồ chờ đón bạn.
Nhiều bạn sinh viên ưa thích mô hình này vì các bạn cảm thấy an tâm hơn khi đi lại. Ảnh: Thái Nguyễn. |
Còn với bạn Lưu Thị Lộc (sinh viên năm nhất Đại học Khoa học tự nhiên) cho biết bạn là khách hàng thân thiết của nhóm “xe ôm 4K”, vì mới nhập học mà việc đi xe ôm bên ngoài không an tâm. Chỉ cần 10.000 đồng, Lộc và bạn bè được đưa đón an toàn.
Do cùng học CNTT nên các bạn nhóm "xe ôm 4k" cùng thành thạo công nghệ. Hiếu và một người bạn cùng lớp đang lên kế hoạch ra mắt app đặt xe như Grab, Uber.
Mong muốn lớn nhất của Hiếu và nhóm bạn là có các lớp sinh viên kế tiếp tiếp nhận việc chạy xe giúp đỡ các bạn sinh viên.
“Hiếu vẫn tiếp tục quản lý nhóm cho dù có ra đi làm, công việc nhiều quá thì chia sẻ cho các bạn khác cùng nhóm, chỉ mong nhóm tiếp tục duy trì để giúp đỡ nhiều bạn sinh viên khác hơn nữa”, Hiếu nói.