Cuối tháng 12/2020, Bộ GTVT và Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC - thành viên Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội - Viettel) đồng loạt đưa vào khai thác thu phí điện tử không dừng ePass tại 35 trạm thu phí trên cả nước. Theo đó, các xe dán thẻ ePass hay eTag đã liên thông có thể qua tất cả trạm thu phí không dừng trên toàn quốc.
Đồng nhất công nghệ, dễ liên thông
Tại các thành phố hiện đại, ứng dụng giao thông thông minh (ITS) được nhiều cơ quan tập trung triển khai thành hệ thống duy nhất. Điều này là cần thiết vì nếu các hệ thống này không liên thông, người dùng sẽ gặp một số khó khăn như phải mua nhiều loại vé khi chuyển đổi phương tiện giao thông, không có thông tin về lịch trình của các tuyến xe để lựa chọn.
Đến mỗi thành phố có hệ thống thu phí điện tử riêng, người lái ôtô mong muốn đi qua các trạm nhanh chóng, đơn giản. Tuy nhiên trên thực tế, người lái xe phải mua nhiều loại vé, mất nhiều thời gian chờ đợi… gây bất tiện và gián đoạn hành trình.
Mỗi thành phố có hệ thống thu phí điện tử riêng, người lái xe phải mua nhiều loại vé, mất nhiều thời gian chờ đợi… gây bất tiện và gián đoạn hành trình. |
Trước khi dịch vụ ePass được khai thác, nhiều người nghi ngại những phương tiện đã dán thẻ do BOO1 cấp trước đó có thể bị “ách” ở trạm thu phí không dừng do Công ty CP Giao thông số Việt Nam (VDTC) triển khai. Các xe dán thẻ ePass do VDTC cung cấp có chung lo lắng này khi qua trạm của BOO1.
Sáng 29/12, Bộ GTVT và VDTC đồng loạt đưa vào khai thác thu phí điện tử không dừng tại 35 trạm thu phí. Theo đó, nhiều xe dán thẻ do BOO1 cung cấp vào làn thu phí không dừng ePass có thể dễ dàng qua trạm mà không phải dừng xe trả tiền mặt.
Lễ khai trương và vận hành hệ thống thu phí không dừng ePass. |
Ông Hồ Trọng Vinh, Phó tổng giám đốc Công ty VETC, cho biết: “Xe của tôi dán thẻ của BOO1 vẫn có thể nhanh chóng qua trạm Hòa Lạc - Hòa Bình nhờ hệ thống thu phí không dừng ePass tương thích về mặt công nghệ với hệ thống thu phí tự động của chúng tôi cung cấp”.
Theo đại diện Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hệ thống thu phí không dừng do Bộ GTVT và các địa phương triển khai đồng nhất công nghệ RFID (Radio Frequency Identification), sử dụng sóng radio để nhận diện tự động thông qua thẻ định danh dán trên xe. Do đó, về mặt kỹ thuật, xe dán thẻ của bất kỳ đơn vị cung cấp dịch vụ nào đều có thể thanh toán tại 91 trạm thu phí tự động không dừng trên cả nước.
Nỗ lực cung cấp dịch vụ tốt nhất
Theo ông Bùi Trình, Giám đốc VDTC, mặt vật lý của thẻ Epass và BOO1 hoàn toàn giống nhau. Tuy nhiên, khác biệt mà VDTC tạo ra là nâng cao trải nghiệm dịch vụ đối với khách hàng và sự linh hoạt của hệ thống thu phí không dừng.
Các xe dán thẻ ePass có thể qua tất cả trạm thu phí không dừng trên toàn quốc. |
Với hệ thống thu phí không dừng ePass, VDTC tận dụng hệ sinh thái, nguồn lực của Viettel để thiết kế hệ thống hiệu năng, tối ưu và linh hoạt. “Đây là những yếu tố mà chúng tôi hướng tới nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng, làm sao để họ sử dụng dịch vụ một cách tốt nhất”, ông Trình cho biết.
Với mục tiêu đó, hệ thống không dừng ePass được Viettel sử dụng đa dạng nền tảng công nghệ mới, có nhiều ưu điểm nổi bật. Cụ thể, hệ thống này tính cước thời gian thực (OCS); áp dụng công nghệ ảo hóa (Cloud) đảm bảo mức dự phòng cao cho hệ thống; áp dụng công nghệ nhận diện ký tự quang học (OCR) giúp việc đăng ký sử dụng dịch vụ của khách hàng nhanh và tiện lợi hơn.
Hệ thống thu phí không dừng ePass được Viettel sử dụng đa dạng nền tảng công nghệ mới, có nhiều ưu điểm nổi bật. |
Công nghệ xử lý ảnh với độ chính xác cao sẽ giảm thiểu chi phí công tác nghiệp vụ hậu kiểm, đối soát; áp dụng tự động hóa hoàn toàn đối soát hàng ngày với trạm BOT, giúp giảm thiểu sự cố do yếu tố con người.
Để tạo sự tiện lợi cho khách hàng khi tiếp cận dịch vụ, đặc biệt trong thanh toán, VDTC sử dụng ViettelPay như thế mạnh riêng của ePass. Khách hàng của ePass có thể nạp tiền vào tài khoản giao thông từ 40 ngân hàng nội địa. Khi đi qua trạm, hệ thống thực hiện quét và trừ tiền trực tiếp vào tài khoản ViettelPay.
Theo đại diện Bộ GTVT, hệ thống thu phí không dừng tại các trạm thu phí đã hình thành. Theo đó, các nhà đầu tư BOT, nhà cung cấp dịch vụ thu phí không dừng và ngân hàng cần tính toán khoa học, đầy đủ chi phí vận hành, quy chế phối hợp trong vấn đề chuyển tiền, khai thác, quản lý dịch vụ hiệu quả, thể hiện sự công khai, minh bạch. Đồng thời, để có thêm nhiều người tham gia thu phí không dừng, các đơn vị cần đẩy mạn thông tin để chủ xe hiểu rõ lợi ích của dịch vụ này.
Bình luận