Sáng nay 8/4, Sở GTVT TP HCM đã tổ chức hội nghị “Sơ kết hoạt động hành khách công cộng và trợ giá xe buýt trên địa bàn thành phố giai đoạn 2002 – 2015”.
Hiến kế giải pháp nâng cao chất lượng xe buýt, nhằm kéo người dân sử dụng xe buýt tăng lên, PGS TS Nguyễn Thị Bích Hằng, Trường ĐH Giao thông vận tải (cơ sở 2, TP HCM) cho rằng giải pháp tiên quyết để chính là áp dụng Công nghệ thông tin vào quản lý, thu phí tự động. Đây chính là việc làm có thể thực hiện được ngay trong thời gian ngắn.
Xe buýt chạy bằng nhiên liệu khí thiên nhiên CNG được Sở GTVT TP HCM khuyến khích các doanh nghiệp đưa vào khai thác trong thời gian tới để giảm chi phí nhiên liệu và bảo vệ môi trường. Ảnh: Phước Tuần |
Đồng quan điểm với chuyên gia Nguyễn Thị Bích Hằng, ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban an toàn giao thông Quốc gia, nhấn mạnh việc cần làm ngay chính là điện tử hóa, sử dụng thẻ thanh toán thông minh vào việc điều hành, thanh toán.
Nếu khó khăn, nhà nước chỉ cần ra quyết định, cơ chế còn đề án giao cho các nhà đầu tư thực hiện, sau đó chia % doanh thu trả lại nhà đầu tư. Đổi mới xe thì phải đi đôi với đổi mới công nghệ. Chỉ có vậy mới quản lý được từng đối tượng hành khách sử dụng xe buýt, khi đó mới có chính sách trợ giá từng đối tượng phù hợp, tránh gây lãng phí.
Ông Hùng cũng đề nghị Sở GTVT TP HCM phải phối hợp chặt chẽ với các chính quyền địa phương phải dẹp được nạn lấn chiếm vỉa hè, trả lại vỉa hè cho người đi bộ. Cũng cần xây dựng các trạm đón dừng xe buýt ở vỉa hè có mái che, ghế ngồi, bản đồ, khi ấy mới kéo được người dân sử dụng xe buýt.
“Chứ thử hỏi, vỉa hè cứ lấn chiếm, người dân toàn đi bộ dưới lòng đường rất nguy hiểm thì còn ai dám đi bộ để đến đón xe buýt được”, ông Hùng đặt vấn đề.
Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó trưởng ban kinh tế và ngân sách Hội đồng nhân dân TP HCM, mong rằng chậm nhất là năm 2017, Sở GTVT sẽ đưa vào hoạt động hệ thống thẻ thanh toán xe buýt thông minh.
Ông Lâm cũng yêu cầu các hợp tác xã, doanh nghiệp cần làm tốt công tác vệ sinh xe buýt, các cơ quan đăng kiểm giám sát chất lượng xe, các cơ quan cần có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp vay vốn để hỗ trợ đầu tư lại xe buýt mới.
“Hầu hết các xe hiện nay đều quá 10 năm khai thác, khói thải, máy lạnh, ghế, hệ thống chuông… đều xuống cấp quá rồi. Thử hỏi xe buýt nào cũng sạch, đẹp như xe buýt tuyến 109 (sân bay Tân Sơn Nhất – bến xe 23/9) thì người dân ai chẳng muốn đi”, ông Lâm nói.
Xe buýt tuyến số 109 (Tân Sơn Nhất - bến xe công viên 23/9) mới đưa vào sử dụng được người dân, du khách rất yêu thích. Ảnh: Lê Quân |
Ông Bùi Xuân Cường, giám đốc Sở GTVT TP HCM, thông tin nếu thuận lợi, đề án sử dụng thẻ từ thông minh thanh toán khi đi xe buýt sẽ đưa vào hoạt động đầu năm 2017.
Ông Cường nhấn mạnh, Sở GTVT sẽ quyết liệt xử lý những tài xế, phụ xe có thái độ ứng xử, hành động không đúng trên các tuyến xe buýt. Sở cũng đang vận động, kêu gọi các doanh nghiệp, hợp tác xã dần đổi mới chuyển sang xe buýt sử dụng nhiên liệu khí thiên nhiên CNG.
Theo ông Đậu An Phúc, Giám đốc Trung tâm quản lý và điều hành Vận tải hành khách công cộng, hiện tại TP HCM có khoảng 3.000 xe buýt của 137 tuyến. Trong đó giai đoạn 2002 – 2007, thành phố có dự án đầu tư 1.318 xe buýt với phương thức cho vay và hỗ trợ lãi suất, 400 xe thuộc dự án xe đưa đón học sinh sinh viên, công nhân, số còn lại do các doanh nghiệp đầu tư. Từ năm 2012 đến nay, lượng hành khách đi xe buýt giảm mạnh qua các năm với nhiều lý do. Lượng hành khách hiện tại trung bình khoảng 1 triệu lượt hành khách/ ngày.