Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Băn khoăn xe buýt sử dụng khí thiên nhiên

Nhiều ý kiến băn khoăn mức giá đầu tư xe buýt mới chạy bằng khí thiên nhiên (CNG) có giá 2,75 tỷ đồng (nếu có nhà nước trợ giá) và 3,1 tỷ đồng (chưa trợ giá) là khá cao.

Sáng 6/4, Sở GTVT TP HCM phối hợp Tổng công ty cơ khí vận tải Sài Gòn (Samco) đã tổ chức hội thảo “Sử dụng nhiên liệu CNG trong giao thông vận tải khu vực miền Nam". Ông Lê Hồng Minh - Phó giám đốc Sở GTVT TP HCM, cho biết hiện TP có khoảng 3.000 xe buýt chạy 134 tuyến, trong đó có 137 xe sử dụng nhiên liệu CNG.

Theo ông, ngày 23/5/2015, UBND TP đã ban hành đề án thay mới 300 xe buýt chạy bằng CNG vào sử dụng. Đầu tháng 3, 23 xe buýt CNG của đề án được Hợp tác xã vận tải 19/5 đưa vào khai thác tuyến ĐH Quốc gia TP HCM - Bến xe An Sương. Dự kiến cuối năm 2016, sẽ có thêm 229 chiếc.

Ông Trần Quốc Toản, Tổng giám đốc Samco, cho biết hiện giá một chiếc xe buýt CNG là 2,75 tỷ đồng (nếu nhà nước trợ giá) và 3,1 tỷ đồng (nếu không trợ giá).

xe buyt su dung khi CNG anh 1
Tuyến xe buýt 33 (ĐH Quốc gia TP HCM - An Sương) chạy bằng nhiên liệu khí thiên nhiên. Ảnh: Phước Tuần

Dù có rất nhiều lợi ích nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp, hợp tác xã và ngành GTVT các tỉnh miền Nam vẫn băn khoăn, lo lắng, đặc biệt là giá mua xe khá cao so với nguồn thu.

Ông Trần Văn Quan - Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cho biết thực tế xe buýt chạy bằng CNG cũng không phải là công nghệ mới. Việc khai thác, sử dụng loại xe này rất tốt cho môi trường, giảm nhiên liệu, tuy nhiên giá thành vẫn còn là bài toán khó.

Theo ông Quan, các Sở GTVT các tỉnh cần có sự đồng thuận, làm đề án để trình Chính phủ để có chính sách, cơ chế hỗ trợ trong việc vay vốn, đầu tư thay mới xe buýt CNG.

Ông Đậu An Phúc, Giám đốc quản lý và điều hành Trung tâm vận tải hành khách công cộng (Sở GTVT TP HCM) cho rằng thực tế giá đầu tư xe buýt CNG khá lớn. Tuy nhiên khi làm bài toán kinh tế lâu dài, sử dụng CNG sẽ giảm chi phí nhiên liệu, bảo trì bảo dưỡng. Sau thời gian khai thác thì sẽ thấy tiết kiệm và lợi nhuận sẽ cao hơn rất nhiều so với sử dụng xe chạy nhiên liệu diesel.

Đặc biệt chưa kể đến những lợi ích xã hội khác như giảm khí thải, tiếng ồn và độ rung khi di chuyển, giúp người dân sử dụng xe buýt nhiều hơn, giảm ùn tắc giao thông.

Về vấn đề lo ngại thiếu nhiên liệu trong nhiều năm sau khi đầu tư, ông Trần Văn Nghị, Phó giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh khí hóa lỏng miền Nam, trấn an lượng nhiên liệu khí thiên nhiên có thể sử dụng thêm 96 năm nữa, chưa kể số mỏ khí chưa thăm dò.

Ông Nghị cũng thông tin thêm, hiện tại TP HCM có 4 trạm cung cấp khí thiên nhiên CNG là ĐH Quốc gia TP HCM, Phổ Quang, Bình Chánh và An Sương. Sắp tới, công ty tiến hành lắp đặt thêm nhiều trạm cung cấp khí tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Phước, Bình Dương.

“Tùy theo đơn đặt hàng đầu tư xe buýt CNG mà công ty sẽ tiến hành lắp đặt các điểm cung cấp khí cho các hợp tác xã, doanh nghiệp vận tải”, ông Nghị nói.



Phước Tuần

Bạn có thể quan tâm