Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xây nhà máy sao quá khó!

Năm 2005, TP HCM định hướng xóa các lò mổ thủ công chuyển sang giết mổ công nghiệp. Từ 41 cơ sở giết mổ năm 2005, đến nay TP HCM còn 18 cơ sở nhưng chưa có nhà máy hiện đại nào.

 

HTX Tân Hiệp được thành lập năm 2005 để thực hiện dự án nhà máy chế biến thịt sạch đạt chuẩn xuất khẩu nhưng đến nay vẫn chưa thể khởi công. Đây là điển hình của thực trạng chậm phát triển cơ sở giết mổ hiện đại ở TP HCM.

Tha thiết xây nhà máy

Sự chậm trễ nêu trên do thủ tục pháp lý nhiêu khê dù là dự án trọng điểm nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm và nằm trong danh sách quy hoạch nhà máy giết mổ công nghiệp được lập từ năm 2005. Theo quy hoạch cơ sở giết mổ giai đoạn 2016-2020 và định hướng đến năm 2025 của TP HCM, Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp phải đi vào sản xuất vào cuối năm 2017 sau 2 lần lỡ hẹn vào tháng 1/2007 (quy hoạch năm 2005) và tháng 6/2012 (quy hoạch năm 2010).

be tac xay nha may giet mo gia suc gia cam anh 1
Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp vẫn còn ngổn ngang

 

.

Ông Bạch Đăng Quang, Giám đốc HTX Tân Hiệp, cho biết nhà máy chậm được xây dựng là vì chưa được cấp sổ đỏ (giấy chứng nhận quyền sử dụng đất) do HTX chưa đóng tiền sử dụng đất.

“HTX tha thiết muốn đóng tiền, bao nhiêu cũng được, chỉ cần cho chúng tôi một con số cụ thể. Sau này, nếu định giá cao hơn, chúng tôi cam kết bằng văn bản sẽ thực hiện nghĩa vụ đầy đủ để nhanh chóng được xây nhà máy. Thực tế, phần diện tích chưa xác định được nghĩa vụ tài chính chỉ hơn 1.900 m2, khoảng 2% tổng diện tích giai đoạn 1 của nhà máy mà ảnh hưởng đến cả dự án” - ông Quang bức xúc.

Theo ông Quang, từ năm 2005, TP HCM đã có định hướng xóa bỏ lò mổ thủ công nhằm bảo đảm an toàn thực phẩm nên nhiều HTX, thương lái hùn vốn làm nhà máy giết mổ công nghiệp.

“Sau khi xin chủ trương và địa điểm, chúng tôi được giới thiệu đến khu đất đã quy hoạch làm KCN chuyên ngành thực phẩm ở xã Tân Hiệp, huyện Hóc Môn. Đến năm 2007, UBND TP ra quyết định thu hồi đất và sau khi chúng tôi thực hiện bồi thường cho người dân vào năm 2008, thì nhận được quyết định giao đất cho HTX xây nhà máy. Rắc rối là trong khu đất có hơn 1.900 m2 là kênh rạch, tưởng chừng như đơn giản vì do nhà nước quản lý, không phải thực hiện quy trình thu hồi, bồi thường nhưng lại không xác định được nghĩa vụ tài chính trên phần đất này” - ông Quang nói.

Ông Quang cho rằng, vướng mắc là do Luật Đất đai năm 2003 và năm 2013 không quy định về việc bồi thường đất do nhà nước trực tiếp quản lý.

Phải đánh giá tác động môi trường 2 lần

Trong thời gian chờ hoàn thiện thủ tục pháp lý đất đai, HTX đã thực hiện hàng loạt thủ tục liên quan để chuẩn bị xin phép xây nhà máy, như: giấy phép quy hoạch, đồ án quy hoạch chi tiết 1/500, đánh giá tác động giao thông, giấy phép hoạt động bến thủy nội địa phục vụ thi công nhà máy, thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường… Trong đó, báo cáo tác động môi trường phải làm lại lần hai do hết thời hạn vì nhà máy chưa được khởi công.

Ông Quang cho rằng, thủ tục hành chính quá nhiêu khê làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của cổ đông và xã viên và có thể làm mất cơ hội kinh doanh của HTX.

Như vậy, trong thời hạn 50 năm được UBND TP HCM giao đất, HTX Tân Hiệp đã mất hơn 8 năm chỉ để lo thủ tục mà vẫn chưa thể xây nhà máy.

Để xác định nghĩa vụ tài chính cho hơn 2% diện tích đất của dự án Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp, các sở - ngành TP HCM đã có rất nhiều cuộc họp. Đến nay, Sở Tài chính, Sở Tài nguyên và Môi trường, Hội đồng Thẩm định giá đất TP HCM thống nhất theo hướng “không phân biệt phương pháp xác định nghĩa vụ tài chính của phần diện tích đất do nhà nước trực tiếp quản lý với phần diện tích còn lại được giao của dự án” để trình UBND TP xem xét, quyết định.

Lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP HCM - cơ quan đầu mối thực hiện quy hoạch cơ sở giết mổ - xác nhận dự án Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp của HTX Tân Hiệp là một trong những dự án giết mổ gia súc công nghiệp đầu tiên của thành phố theo Quyết định 31 ngày 17/2/2005 của UBND TP HCM, nhưng đến nay vẫn chưa thể xây nhà máy do vướng mắc thủ tục.

Mới đây nhất, ngày 24/6, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lại có văn bản gửi UBND TP HCM đề nghị xem xét, chấp chuận cho HTX Tân Hiệp được áp dụng hệ số điều chỉnh giá đất để xác định tiền sử dụng đất theo kiến nghị của cơ quan tham mưu để có thể sớm hoàn thành thủ tục xây dựng nhà máy.

Nhiều dự án ì ạch

Theo quy hoạch từ năm 2005, ngoài Nhà máy Thực phẩm Tân Hiệp còn có 2 dự án khác của Tổng Công ty Nông nghiệp Sài Gòn và Công ty Vissan. Đến nay, Công ty Vissan đã chọn địa điểm xây nhà máy ở Long An. Dự án còn lại, sau nhiều lần điều chỉnh địa điểm, nay quay lại xã Tân Thạnh Tây, huyện Củ Chi.

Về giết mổ gia cầm, dự án của Công ty TNHH Trại Việt tại xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi (theo quy hoạch năm 2010) đã phải xin ngưng do vị trí xây dựng nhà máy đã được Bộ Quốc phòng quy hoạch xây dựng khu liên hợp.

Đầu năm 2016, tại buổi giám sát về an toàn thực phẩm của HĐND TP HCM, ông Lê Văn Mỵ, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thương mại Hóc Môn (chủ quản Công ty CP Chế biến thực phẩm Hóc Môn, đầu tư nhà máy giết mổ gia súc tại xã Xuân Thới Thượng, huyện Hóc Môn), cũng than phiền về việc 4 năm chưa xây dựng được nhà máy do vướng thủ tục.

Tháng 6/2016, nhà máy này đang thi công thì bị đình chỉ do chưa có giấy phép xây dựng dù cuối năm 2015, UBND TP đã chấp thuận cấp phép tạm thời một số hạng mục của dự án để công trình có thể đưa vào hoạt động vào cuối năm 2016.

 

 

http://nld.com.vn/kinh-te/xay-nha-may-sao-qua-kho-20160724211648404.htm

Theo Ngọc Ánh/NLĐ

Bạn có thể quan tâm