Chiều 21/7, ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục tài chính doanh nghiệp (DN) thuộc Bộ Tài chính, đã chia sẻ quan điểm của Bộ về dự thảo thành lập ủy ban quản lý, giám sát vốn và tài sản nhà nước (gọi tắt là ủy ban) tại DN của Bộ KH&ĐT. Theo đó, sẽ có 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước thuộc các lĩnh vực: điện, xăng dầu, hàng không, dầu khí, viễn thông,… phải chuyển về ủy ban quản lý thay vì ở các bộ, ngành như hiện nay.
Sợ khó “ôm” nổi 30 ông lớn
- Ông nhìn nhận như thế nào về chủ trương thành lập một ủy ban giám sát, quản lý doanh nghiệp nhà nước (DNNN)?
- Tôi cho rằng việc đưa ra mô hình này là bước đi để cụ thể hóa nghị quyết của Đại hội Đảng lần thứ 12. Đó là tách chức năng quản lý nhà nước ra khỏi chức năng quản lý của cơ quan chủ sở hữu, hay nói cách khác là chức năng quản trị của DN.
Tuy nhiên, việc đề xuất lập ủy ban này cũng có nhiều ý kiến băn khoăn. Đó là ủy ban vẫn là mô hình cơ quan hành chính nhà nước, không khác gì việc các bộ quản lý DN như hiện nay.
Ông Đặng Quyết Tiến. |
- Nếu ủy ban này được thành lập, 30 tập đoàn, tổng công ty nhà nước chủ chốt của nền kinh tế sẽ được chuyển từ bộ, ngành về ủy ban. Theo ông, “siêu ủy ban” này liệu có đủ năng lực quản lý?
- Tôi cho rằng đây cũng là điều băn khoăn của các DN cũng như các bộ, ngành hiện nay. Một ủy ban siêu bộ quản lý các DNNN sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong công tác quản lý DN. Bởi mỗi DN có hoạt động kinh doanh khác nhau nên đòi hỏi cơ quan này phải có lượng lớn cán bộ chuyên môn sâu, am hiểu tham mưu phê duyệt các kế hoạch sản xuất kinh doanh từng lĩnh vực. Trong khi bản thân từng lĩnh vực lại có từng mảng khác nhau nữa.
"Bây giờ khi vai trò sứ mệnh của các bộ, ngành đã hoàn thành, chúng ta hãy để các DN thực hiện theo cơ chế thị trường. Nhà nước chỉ giữ vai trò kiến tạo sân chơi bình đẳng cho DN thông qua cơ chế chính sách. Vấn đề cốt lõi cần làm là hãy đẩy nhanh quá trình cổ phần hóa DN".
Ông Đặng Quyết Tiến, Cục phó Cục Tài chính doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính
Tôi lấy ví dụ như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) là đơn vị thuộc quản lý của Bộ Công Thương. Dưới Bộ còn có Tổng cục Năng lượng, Cục Điều tiết điện lực chịu trách nhiệm giám sát, quản lý. Nếu bây giờ đưa EVN về ủy ban liệu rằng ủy ban có đủ năng lực chuyên môn sâu về ngành điện để tham mưu, quản lý không? Để làm được điều này, ủy ban lại cần hình thành bộ máy mới cồng kềnh. Do đó chúng ta nên cân nhắc, xem xét kỹ có cần thiết cho ra đời ủy ban này hay không.
Kiến tạo sân chơi bình đẳng
- Vậy theo ông, mô hình nào là hợp lý để quản lý các DNNN?
- Tôi cho rằng mô hình nào đi nữa cũng cần xét đến tính khả thi trong thực tế và thu hẹp được các DNNN. DNNN thu hẹp lại sẽ tạo ra sân chơi rộng cho các thành phần kinh tế khác.
|
VNA có thể sẽ nằm trong “siêu ủy ban”.
|
Một điều cũng cần bàn đến đó là nếu ủy ban này ra đời sẽ tạo ra sự chồng chéo trong quản lý, hoạt động của cơ quan này và SCIC. Ủy ban sẽ quản lý tổng công ty này, trong khi đơn vị này lại đang quản lý vốn tại các DN. Vậy tại sao không bàn giao các tập đoàn về SCIC luôn thay vì cho ra đời thêm mô hình ủy ban?
- Trước đây có thời điểm các tập đoàn, tổng công ty đã được giao về Chính phủ quản lý, nhưng lại để xảy ra những sự vụ như Vinashin, Vinalines… Sau đó các tập đoàn, tổng công ty được giao về các bộ quản lý. Bây giờ các DNNN lại được đưa về ủy ban trực thuộc Chính phủ. Có phải chúng ta đang lúng túng trong quản lý DNNN?
- Tôi nghĩ chúng ta không lúng túng mà chỉ là giữa các khâu thực hiện hơi khập khiễng. Trước đây, khi các tập đoàn, công ty trực thuộc Chính phủ quản lý, chủ tịch tập đoàn, tổng công ty ngang hàng với bộ trưởng. Mọi vấn đề đều trực tiếp xin ý kiến Chính phủ thay vì thông qua bộ chủ quản. Điều này dẫn đến tình trạng không ai nghe ai và thiếu cơ quan giám sát, quản lý, không ai chịu trách nhiệm.
Việc giao các DNNN về cho các bộ quản lý là hợp lý và có công cụ giám sát. Đặc biệt đề cao vai trò, trách nhiệm người đứng đầu DNNN cũng như bộ chủ quản.
“Chắc chắn các bộ sẽ phản đối”
Trước những lo ngại về việc thành lập “siêu ủy ban” quản lý tới hơn 5 triệu tỷ đồng của các DNNN, TS Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương thuộc Bộ KH&ĐT, cho rằng hiện nay không hề có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý, thực hiện chủ sở hữu nhà nước tại các DN.
“Bây giờ, thử hỏi một bộ trưởng xem tình hình một công ty trực thuộc bộ ra sao, chỗ nào lỗ, chỗ nào đang sinh lời… chắc chắn bộ trưởng không trả lời được. Trong khi lẽ ra họ với tư cách là chủ đầu tư, cần phải biết được tất cả điều đó. Như thế mới thực hiện đúng chức năng chủ sở hữu nhà nước tại DN” - ông Cung nói.
Ông Cung cho rằng: “Hiện các bộ đang thực hiện chức năng chủ sở hữu nhà nước, khi có ủy ban các bộ sẽ mất đi thẩm quyền và những lợi ích kèm theo. Do đó chắc chắn họ sẽ phản đối”.
Ông cũng đánh giá trong các bộ đang nắm các DNNN hiện nay, Bộ Công Thương có lẽ là bộ thực hiện chức năng sở hữu nhà nước kém hơn cả.
“Lẽ ra nếu DN thép nào thua lỗ thì Bộ Công Thương phải để cho DN đó phá sản. Nhưng đằng này Bộ cứ xin ưu đãi, đầu tư thêm… để cứu các DN thua lỗ. Nếu một DN tư nhân thua lỗ, tôi đảm bảo chả ai quan tâm, và Bộ Công Thương sẽ không đi xin ưu đãi để cứu một DN tư nhân sắp phá sản. Một chính sách bình đẳng không thể diễn ra như thế, và việc thành lập ủy ban sẽ khắc phục được những khiếm khuyết này” - ông Cung nhấn mạnh.