Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Trung Quốc lập cơ quan di trú để hút nhân tài nước ngoài

Trung Quốc đang thiết lập văn phòng di trú đầu tiên nhằm thu hút các nhân tài ở nước ngoài nhập cư, giúp thúc đẩy quá trình chuyển đổi nền kinh tế.

Bộ trưởng Công an Trung Quốc Quách Thanh Côn, hiện là ủy viên Quốc vụ, tiết lộ, quyết định được đưa ra đầu năm nay tại cuộc họp nội bộ về một cuộc cải tổ rộng rãi các dịch vụ an ninh nội địa. Văn phòng di trú sẽ được thành lập bằng cách kết hợp và mở rộng văn phòng kiểm soát biên giới và quản lý xuất nhập cảnh của bộ và có thể hoàn tất trước khi kết thúc năm.

Đây là dấu hiệu mới nhất cho thấy Trung Quốc đang coi việc tuyển dụng lao động nước ngoài là cách để thay đổi sự phụ thuộc vào sản xuất và đầu tư, đồng thời tránh "cái bẫy thu nhập trung bình" (tình trạng một quốc gia đạt đến mức thu nhập bình quân nhất định và giậm chân tại chỗ, không thể vượt qua mức đó để giàu có hơn). Cái bẫy này đã làm đình trệ nền kinh tế đang phát triển ở châu Á và Nam Mỹ.

Trung Quoc mo co quan di tru anh 1
Trung Quốc đang nỗ lực hút nhân tài nước ngoài để thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình". Ảnh: Bloomberg

Gần 4 thập kỷ sau khi Đặng Tiểu Bình mở cửa Trung Quốc giao thương với thế giới, khoảng 600.000 người nước ngoài đến sống và làm việc tại quốc gia này. Đây là con số rất nhỏ so với gần 1,4 tỷ dân. Trong khi đó, Nhật Bản có tới 2,17 triệu người nước ngoài đang sinh sống.

"Trung Quốc không chú trọng hút nhân tài quốc tế trong nhiều thập kỷ qua bởi tốc độ tăng trưởng hai con số của nước này chỉ cần dựa vào lợi tức dân số (lợi ích kinh tế có được từ biến đổi dân số). Nhưng bây giờ, nó cần có lợi tức mới từ tài năng nước ngoài để giúp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế", Wang Huiyao, chủ tịch Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa, một trung tâm nghiên cứu tư vấn cho chính phủ, nhận định.

Bộ Công an Trung Quốc không đưa ra bình luận về vấn đề này. Ngày 18/7, Bộ công bố 16 biện pháp để xử lý các hồ sơ xin thường trú và và phê chuẩn lao động nước ngoài có tay nghề trong khu vực thương mại tự do vào các nhà máy điện ở Quảng Đông, phía nam Trung Quốc, giáp Hong Kong, theo Tân Hoa xã.

Bên cạnh nhu cầu lao động có tay nghề, chuyên môn, Trung Quốc còn đang phải đối mặt với vấn đề dài hạn về nhân khẩu học như dân số già. Năm ngoái, chính phủ đã thay đổi chính sách một con thành hai con sau khi dân số trong độ tuổi lao động của nước này lần đầu tiên có dấu hiệu giảm trong 2 thập kỷ qua.

Hiện chưa có thông tin đối tượng mà Bắc Kinh thu hút nhập cư là ai. Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi thu hút thêm các tài năng quốc tế, đặc biệt những người đi du học nước ngoài và không trở về nước.

Chào đón nồng nhiệt

Trung Quoc mo co quan di tru anh 2
Biểu đồ cho thấy số lượng người nước ngoài sống tại các thành phố lớn trên thế giới. Đồ họa: Bloomberg

"Các bạn được chào đón nồng nhiệt khi trở về Trung Quốc. Nếu bạn ở nước ngoài, chúng tôi sẽ hỗ trợ để bạn có thể phục vụ đất nước bằng nhiều cách", ông Tập phát biểu trong cuộc họp với Hiệp hội học giả phương Tây trở về (WRSA) vào tháng 10/2013.

Quy định cấp visa nghiêm ngặt, tình trạng ô nhiễm nặng và pháp luật yếu kém là một trong những yếu tố cản trở nỗ lực của Trung Quốc thu hút lao động nước ngoài. Trong khi đó, với 2,6 triệu sinh viên được gửi ra nước ngoài học năm 1978 thì chưa tới một nửa số đó trở về vào năm 2012, Tân Hoa xã cho biết.

Tương tự, một nghiên cứu của Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa công bố năm ngoái cho thấy, chỉ 7.300 người nước ngoài được đảm bảo diện thường trú trong thập niên đầu mở cửa. Chính phủ đã mở rộng các hạng mục người đủ điều kiện có thẻ Xanh Trung Quốc, nhấn mạnh tầm quan trọng của lao động nước ngoài trong các ngành nghề tập trung đổi mới như trong phòng thí nghiệm và trung tâm công nghệ.

Tiêu chuẩn nhập cảnh cao

Theo Tân Hoa xã, Trung Quốc đã đưa ra bản cam kết quản lý hộ khẩu thường trú đối với người nước ngoài một cách hợp lý, công khai và thiết thực.

"Các tiêu chuẩn nhập cảnh sẽ rất cao. Ngay cả khi chúng tôi thiết lập văn phòng di trú và đưa ra chính sách nhập cư mới, chính phủ vẫn sẽ rất thận trọng trong việc lựa chọn người nhập cảnh. Chúng tôi muốn thu hút nhân tài ưu tú nhưng cũng không cho phép những   đối tượng không mong muốn tràn vào Trung Quốc", Wang Yukai, giáo sư tại Viện quản lý Trung Quốc, nói.

Trong vài năm gần đây, số lượng người nước ngoài tại một số thành phố lớn của Trung Quốc đã có sự thay đổi. Tuy nhiên, con số đó vẫn còn thấp hơn nhiều so với các quốc gia khác trên thế giới. Khoảng 5% dân số của Bắc Kinh là người ngoại quốc. Trong khi đó, các thành phố như London (Anh), New York (Mỹ), Sydney (Australia) và Toronto (Canada) đều có tới 1/3 dân số là người nước ngoài, theo số liệu năm ngoái từ Tổ chức Di dân Quốc tế có trụ sở tại Geneva, Thụy Sĩ.

Trung Quốc đối mặt thách thức dịch chuyển cơ cấu kinh tế

Nhiều học giả cho rằng quá trình chuyển đổi cơ cấu kinh tế của Trung Quốc diễn ra không suôn sẻ và một số đặc điểm khiến nền kinh tế nước này rất khó ổn định.

 

 

 

 



Tống Hoa

Bạn có thể quan tâm