Người Việt đang từng ngày, từng giờ phải đối đầu với thực phẩm bẩn trong khi nhiều doanh nghiệp của ta đã len lỏi được vào những thị trường khó tính nhất thế giới.
Phát biểu tại buổi tọa đàm “Đường ra cho nông sản sạch”, ông Nguyễn Văn Khải – Giám đốc Công ty Thủy sản Bến tre (ABT) thừa nhận: “Chúng tôi đã và đang phục vụ được các thượng đế khó tính nhất thế giới, nhưng vẫn trăn trở tại sao lại không thể phục vụ được người Việt?”.
Là một doanh nghiệp (DN) nhỏ, ngay từ những ngày đầu khởi nghiệp ông Khải đã quyết định chọn cho mình một hướng đi riêng: Len lỏi vào các thị trường khắt khe nhất thế giới để không phải cạnh tranh với các đối thủ lớn.
Giám đốc Công ty Thủy sản Bến Tre khẳng định người Nhật không bao giờ ăn những con cá có dấu hiệu bị giết trong đau đớn trong khi nhiều người Việt chẳng thể phân biệt được chuyện này.
Ảnh: CafeBiz |
Để làm được điều này, giám đốc DN trên đã phải mày mò, nghiên cứu, tìm ra giải pháp khép kín quy trình sản xuất từ tổ chức chọn giống, nuôi đến khi thu hoạch và đưa vào sản xuất.
Một trong số các thị trường khắt khe mà ông Khải nhắc tới là Nhật. Theo ông Khải, người Nhật chỉ ăn cá có trọng lượng khoảng 700gram. Quá trọng lượng đó, họ không dùng.
Đặc biệt, người Nhật rất quan tâm tới cách người ta đối xử với cá ngay cả khi giết chúng.
“Họ yêu cầu cá còn sống mới được đưa vào sản xuất, chế biến và phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình: cắt cổ cá thả vào bể nước lạnh để cá không bị đau, ra máu từ từ đến khi chết”, ông Khải nói.
Lãnh đạo DN này khẳng định, người tiêu dùng Nhật cũng rất tinh ý, họ chỉ chọn mua những con cá sau khi chế biến có vân óng ánh, rõ ràng, cá chết trong đau đớn họ kiên quyết không ăn.
Là một trong những DN đang trực tiếp phục vụ người Việt, ông Sanjeev Kumar – Tổng Giám đốc Công ty TNHH Japfa Comfeed Miền Bắc chia sẻ, khó khăn lớn nhất là người tiêu dùng Việt không kém hiểu biết, nhưng chưa sẵn sàng chi tiêu.
Ông Sanjeev Kumar cho rằng nhiều DN Việt chưa tạo được mô hình sản xuất khép kín từ việc tự lo thức ăn chăn nuôi cho tới việc thu hoạch, phân phối, chế biến, thu mua… Hiện DN Việt vẫn cần sự tham gia của nhiều bên trong khi yếu tố giống thích hợp với Việt Nam, thức ăn cho con vật là điều kiện tiên quyết để tạo ra thực phẩm sạch.
“Các bạn chưa thể sản xuất tập trung, cung cấp thức ăn cho vật nuôi tại chỗ, cung cấp thức ăn chăn nuôi tới tận tay người nông dân. Chưa kể, nhiều công ty sản xuất nhỏ lẻ không có đủ cơ sở, tài chính để kiểm tra chất lượng đầu vào của sản phẩm nhất là với nguồn nguyên liệu nhập khẩu”, ông Sanjeev Kumar phân tích.
Lãnh đạo DN này cho hay, để phục vụ được các thượng đế Việt, trước hết họ làm việc trực tiếp với từng hộ nông dân, hướng dẫn họ cách chăm sóc vật nuôi, cây trồng đúng kỹ thuật nhằm tạo phong trào thực phẩm sạch.
Tiếp đó, họ quản soát giống, kiểm soát quy trình đưa con vật tới từng nông trại, tự sản xuất, cung cấp thức ăn cho chúng, tự thu mua, chế biến theo các quy trình chuẩn.
Sau khi nghe những chia sẻ trên, bà Võ Ngân Giang – cán bộ chương trình quốc gia về an toàn thực phẩm (ATTP), Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO) thừa nhận, ở Việt Nam ít có DN nào làm được mọi công đoạn để tạo ra một sản phẩm.
“Do đó để đảm bảo chất lượng từ đầu đến cuối chuỗi là rất nan giải”, bà Giang đánh giá.
Nhiều DN Việt chưa tự khép kín được quy trình sản xuất, chế biến nông sản. Ảnh: TTXVN |
Theo bà Giang, nhà nước đã có khung pháp lý, nhưng các văn bản dưới luật và việc thực thi còn nhiều chuyện cần bàn.
Đồng quan điểm, ông Đặng Kim Sơn, nguyên Viện trưởng Viện Chính sách chiến lược Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho rằng nhà nước cũng có nhiều cái vướng khi dọn đường ra cho nông sản sạch.
Ông Sơn dẫn chứng, chúng ta hiện đang có khoảng 10 triệu hộ nông dân, 14 – 15 triệu hộ nông thôn vô danh, không liên kết, hợp tác với nhau.
“Quan hệ giữa họ và những người tiêu dùng là ngắn hạn nên mọi chuyện rất khó. Chưa kể nông sản từ nông trại ra bàn ăn lại phải qua nhiều vòng, từ phun xịt thuốc tới vận chuyển, phân phối”, ông Sơn nói.
Vị quan chức này nêu thực tế, ở Việt Nam, Bộ nào cũng muốn tầm quản lý rộng, nhưng ít phải chịu trách nhiệm khi xảy ra sự cố.
“Chính việc đó mới đẻ ra các loại giấy phép mẹ - con, mới sinh ra chuyện ngăn sông cấm chợ. Bộ trưởng Cao Đức Phát sức đâu mà đi kiểm tra hết hang cùng ngõ hẻm ở 10 triệu hộ nông dân hàng ngày?”, ông Sơn nêu quan điểm.
Từ thực tế trên, ông Sơn đề xuất cần phải xử lý dưới góc cạnh thể chế.
Trong khi đó, có DN hiến kế, tại sao Nhà nước không nhận giấy phép online, còn lại tập trung toàn bộ lực lượng để thanh kiểm tra, hậu kiểm xem DN có làm đúng đăng ký, cam kết hay không?
Với đề xuất này, ông Sơn cho rằng chính phủ điện tử thì quá đơn giản, nhưng Việt Nam chưa thể làm được chuyện đó do: “Một cán bộ hiện nay ngồi làm đăng ký, giờ chuyển sang cho DN đăng ký online thì liệu họ có được tăng lương hay lên chức không? Một khi họ không tìm thấy động lực để làm việc thì cách hành xử của họ cũng sẽ khác đi”.
Ông Phạm Kim Đăng – Học viện Nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) nêu thêm một thực tế đáng buồn là ở Việt Nam chưa có đào tạo chuyên ngành quản lý chất lượng ATTP.
“Chúng tôi đã đề xuất với Bộ Giáo dục – Đào tạo chuyện này, nhưng do chưa có tiền lệ nên phải chờ. Trong bối cảnh hiện nay, tôi nghĩ cần đào tạo gấp nhân lực ngành này theo tiêu chuẩn châu Âu để cung cấp cho các DN, cơ quan nhà nước, đáp ứng yêu cầu từ thực tế”, ông Đăng nêu quan điểm.
Theo ông Đăng, sở dĩ thực phẩm bẩn còn đất sống cũng là do “sức ép từ người tiêu dùng Việt chưa đủ để các DN thay đổi cách thức sản xuất”.