Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Ớn lạnh bì heo ở Sài Gòn

Từ khi làm việc cho các cơ sở chế biến da heo thành bì, nhân viên ở đây không dám ăn món cơm tấm bì dù là trong các hàng quán sang trọng.

Hẻm 365, 385, 357 Hậu Giang, phường 11, quận 6 được mệnh danh “thủ phủ” chuyên cung cấp nguyên liệu cho các quán cơm sườn, bì, chả từ bình dân đến cao cấp ở TP HCM. Nơi đây có đến 31 lò chế biến da heo thành bì.

“Biến không tao đập!”

Các cơ sở này hoạt động từ năm 1975, chuyên sản xuất tóp mỡ. Những năm gần đây, dịch vụ cơm tấm sườn, bì, chả nở rộ nên các cơ sở chuyển sang làm bì heo để đáp ứng nhu cầu. Trong “thủ phủ” sản xuất bì heo có lò của bà Hoa, ông Hưng là cơ sở quy mô lớn nhất. Mỗi ngày, hai cơ sở này cung ứng ra thị trường gần nửa tấn bì thành phẩm.

Lò sản xuất bì heo ở các con hẻm nói trên từng bị cơ quan chức năng kiểm tra nên hiện hoạt động rất kín kẽ. Mỗi chiều, khi bắt đầu hoạt động, 31 lò cắt cử người đứng đầu hẻm quan sát, mỗi khi thấy người lạ đi vào sẽ ra ám hiệu thông báo.

Họ nhớ mặt, điểm tên từng người lảng vảng, sẽ chặn lại hỏi thăm nếu nghi ngờ. Phải thông qua một số đầu mối kinh doanh cơm và hơn nửa tháng làm quen các công nhân ở một số lò, chúng tôi mới tiếp cận, ghi nhận được toàn bộ “công nghệ” làm bì heo.

Tại cơ sở nằm giữa hẻm 385 đường Hậu Giang, chiều 13/7, 3 nam công nhân mình trần đang vớt da heo từ các nồi nước sôi ra thớt để thái rồi ngâm với nước lạnh. Trong nhà, một phụ nữ tên Thu (34 tuổi) kéo rổ da dưới nền đất đầy nước đến một chiếc bàn gần đó thái thành những sợi nhỏ.

Thấy có người đi vào cơ sở, một công nhân vội chạy ra sưng sỉa: “Vào đây làm gì? Tìm ai?”. Sau khi biết chúng tôi là người lạ, anh ta đuổi thẳng và không quên đe dọa: “Chỗ làm ăn, không biến tao đập!”.

quy trinh lam bi heo ban anh 1

Chế biến bì heo tại một cơ sở nằm trong hẻm 385, đường Hậu Giang, quận 6, TP HCM

Tiếp cận một lò gần đó thuộc hẻm 357, chúng tôi chứng kiến hình ảnh hãi hùng. Ba phụ nữ đổ bao da heo xuống nền đất. Trong số này, nhiều miếng da đã chuyển màu, bầy nhầy. Dù đứng xa hơn 2 m vẫn ngửi thấy mùi hôi thối. Những phụ nữ này dường như đã quen việc, mỗi người một góc dùng dao tách bỏ phần da và thịt.

Sau khi tách da, tất cả da heo được đổ thẳng vào các nồi nước gần đó. Luộc chín xong, da tiếp tục được ngâm vào thau nước có trộn với bột màu trắng. Các công nhân dùng tay, thậm chí chân để trộn đều hỗn hợp da heo, nước và bột trắng.

T., người trực tiếp chế biến bì heo, không biết gọi tên chất bột là gì nhưng cho biết chỉ cần bỏ 4 muỗng cà phê vào một thau nước lớn, mớ da heo hôi thối, bầy nhầy sẽ nhanh chóng chuyển sang màu trắng và săn chắc hơn. “Ngày nào cũng làm nhưng không kịp giao cho khách. Cứ tầm 17 giờ là người ta tới lấy liên tục nên phải làm thật nhanh” - T. tiết lộ.

Công đoạn khiến T. tốn nhiều thời gian nhất chính là thái nhỏ các miếng da ra kích thước như sợi hủ tiếu rồi trộn với thính (gạo rang - PV) để tạo ra bì heo thành phẩm. “Từ khi làm nghề này, tôi không dám ăn cơm tấm bì dù ở các hàng quán sang trọng. Không chỉ những quán ăn bình dân mà ngay cả các quán cơm máy lạnh ở trung tâm TP HCM, mỗi chiều vẫn có người đến mua hàng về bán” - T. nói.

“Xử” xong, hoạt động rầm rộ hơn

Trong các ngày 28/6 và 5/7, phóng viên Báo Người Lao Động còn ghi nhận quy trình chế biến mất vệ sinh như vậy tại các cơ sở gần đó. Sáng 14/7, trong vai chủ quán cơm, chúng tôi gọi điện thoại đến ông Tín - một trong những chủ lò làm bì heo trong hẻm 365 Hậu Giang (quận 6). Ông Tín khá cởi mở khi biết có người mua số lượng lớn. “Da heo luộc xong bán 40.000 đồng/kg, bì heo thành phẩm 60.000 đồng/kg có kèm theo gói thính” - ông báo giá.

Khi hỏi về chất lượng, nguồn gốc làm có bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm hay không, ông Tín khẳng định mình kinh doanh hơn 10 năm, bỏ mối cho hàng chục quán cơm, phục vụ hàng ngàn người mà chẳng ai bị sao cả.

Được biết, đoàn kiểm tra liên ngành của quận 6 từng kiểm tra các cơ sở làm bì bẩn nhiều lần và tiến hành xử phạt. Thế nhưng, một thời gian sau thì các cơ sở này lại hoạt động rầm rộ không kém. Ngoài ra, vào những năm 2012, 2014, cơ quan chức năng liên tục kiểm tra nhưng cũng không xử nổi các cơ sở này.

Sáng 15/7, chúng tôi đã liên hệ UBND phường 11, quận 6 để cung cấp thông tin, hình ảnh liên quan đến một số cơ sở chế biến bì heo không bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm để tìm hướng xử lý. Tuy nhiên, bà Phạm Thị Xuân Phương, Phó Chủ tịch UBND phường 11, cho rằng: “Phường không có thẩm quyền phát ngôn báo chí, cung cấp thông tin, xin liên hệ quận”.

Trong khi đó, đại diện UBND quận 6 cho biết đã nắm thông tin các cơ sở sản xuất bì heo bẩn ở đường Hậu Giang (phường 11). Hiện tại, địa phương đang xây dựng phương án để báo cáo TP nhằm tìm hướng giúp các hộ dân nói trên chuyển đổi ngành nghề kinh doanh.

Tính đến ngày 17/7, vẫn chưa có một cơ quan thẩm quyền nào đến kiểm tra, ghi nhận. Trong khi đó, từng ngày, các cơ sở trên cho ra lò hàng tấn bì heo với công nghệ siêu bẩn đi khắp TP HCM.

Sợ đến già!

Một cán bộ từng trực tiếp tham gia đoàn kiểm tra liên ngành bày tỏ: “Bước vào khu vực sản xuất mà tôi nổi da gà. Từ hôm đó trở đi, tôi không dám ăn cơm tấm bì bởi ám ảnh quy trình sản xuất. UBND phường có trách nhiệm trực tiếp kiểm tra và xử lý do giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm cũng do phường thẩm định. Khi người dân cung cấp thông tin, chính quyền cần cử cán bộ đến xác minh”.

http://nld.com.vn/kinh-te/on-lanh-bi-heo-20160717221304244.htm

Theo Lê Phong/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm