Tổng giám đốc EVN Trần Đình Nhân cho biết, thời gian triển khai một dự án điện mặt trời là khoảng 6 tháng, trong khi để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3-5 năm.
Sự phát triển nóng của các nhà máy điện mặt trời đã dẫn tới tình trạng đa số đường dây, trạm biến áp (TBA) từ 110 đến 500 kV trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận đều quá tải. Trong khi đó, các dự án lưới điện nhằm giải tỏa công suất cho các nhà máy điện mặt trời lại gặp không ít khó khăn, đặc biệt là vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng.
Khó khăn trong giải phóng mặt bằng
Ông Tô Văn Dần - Trưởng ban Quản lý Đầu tư, Tổng công ty Truyền tải Điện Quốc gia (EVNNPT) cho hay, để giải tỏa công suất các nguồn năng lượng tái tạo khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận giai đoạn 2020-2021, tổng công ty triển khai 12 dự án đường dây/TBA 220 kV - 500 kV; trong đó 6 dự án đang triển khai đã nằm trong quy hoạch và 6 dự án hiện chưa có quy hoạch.
Cũng theo ông Tô Văn Dần, 2 dự án ở giai đoạn thi công đang gặp khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng. Cụ thể, dự án TBA 220 kV Phan Rí đã có nhà thầu xây lắp từ tháng 12/2018, nhưng đến nay vẫn chưa thi công được do gặp khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Tính đến ngày 20/6, dự án mới vận động bàn giao được 4.508 m2/39.619,2 m2 mặt bằng.
Việc xây dựng lưới điện giải tỏa tại Ninh Thuận, Bình Thuận còn nhiều khó khăn. |
Tương tự EVNNPT, giải phóng mặt bằng cũng là một thách thức của Tổng công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC) khi triển khai các dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo, điển hình như dự án đường dây 110 kV Lương Sơn - Hòa Thắng - Mũi Né; thay dây dẫn đường dây 110 kV Ninh Phước - Tuy Phong...
Cần sự quyết liệt từ nhiều phía
Tính đến cuối tháng 6, tổng công suất điện gió và điện mặt trời trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đã lên tới 2.027 MW (chiếm gần 50% tổng công suất năng lượng tái tạo của cả nước). Dự kiến, đến tháng 12/2020, con số này sẽ tăng lên 4.240 MW.
Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn, nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ (tỉnh Ninh Thuận chỉ dao động 100-115 MW và Bình Thuận 250-280 MW). Chính vì vậy, việc đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất năng lượng tái tạo là đặc biệt cấp bách, vừa tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà máy điện phát hết công suất, vừa giúp EVN huy động hiệu quả nguồn năng lượng này để bổ sung vào hệ thống.
Thời gian qua, EVNNPT và EVNSPC đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ban, ngành, các địa phương, tập trung nguồn nhân lực, bám sát nhà thầu để đẩy nhanh tiến độ các dự án giải tỏa công suất nguồn năng lượng tái tạo. Tuy nhiên, để đẩy nhanh tiến độ các dự án, đảm bảo quyền lợi cho các chủ đầu tư cũng như ngành điện, cần có sự vào cuộc của các bộ, ban, ngành, các cấp chính quyền trong việc đẩy nhanh tiến độ thẩm tra, thẩm định dự án, các thỏa thuận hướng tuyến, vị trí trạm... rút ngắn thời gian thỏa thuận hướng tuyến, vị trí, phê duyệt kế hoạch sử dụng đất…
Đặc biệt, chính quyền các địa phương cần xem xét, chỉ đạo các sở, ban ngành quyết liệt hơn nữa trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Các địa phương cũng cần linh động trong việc hỗ trợ nhữnghộ dân bị ảnh hưởng bàn giao mặt bằng trước để nhà thầu thi công, song song với thực hiện các thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng theo quy định.
Theo kết quả tính toán tình trạng quá tải của các đường dây, TBA trên địa bàn 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận: Đường dây 110 kV Tháp Chàm - Hậu Sanh - Tuy Phong - Phan Rí mức mang tải lên tới 260-360%; đường dây 110 kV Phan Rí - Sông Bình - Đại Ninh mang tải 140%; đường dây 110 kV Đa Nhim - Đơn Dương mang tải 123%; TBA 500 kV Di Linh mang tải 140%; TBA 220 kV Đức Trọng - Di Linh mang tải 110 -%... Mức mang tải này được dự đoán còn tiếp tục tăng lên trong thời gian tới.