Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

‘Điện mặt trời khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận quá tải đường truyền’

Việc quá tải lưới điện truyền tải khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận đã được dự báo trước, nhưng nhiều nhà máy điện mặt trời khu vực không thể phát hết công suất tạo ra nhiều khó khăn.

Vấn đề quá tải lưới điện truyền tải được đưa ra tại Hội nghị vận hành các nhà máy điện mặt trời và gió các tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận do Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức dưới sự chủ trì của ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc EVN.

Điện mặt trời phát triển nóng, lưới điện quá tải

Tính đến cuối tháng 6, cả nước có 89 nhà máy điện gió và mặt trời, tổng công suất đạt 4.543,8 MW, chiếm 8,3% tổng công suất của hệ thống điện quốc gia. Con số này vượt xa so với dự kiến của Quy hoạch điện VII điều chỉnh (chỉ 850 MW điện mặt trời vào năm 2020). Trong đó, riêng 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận hiện có 38 nhà máy điện gió, điện mặt trời, với tổng công suất đặt 2.027 MW. Dự kiến, đến tháng 12/2020, công suất ở 2 tỉnh này sẽ tăng lên 4.240 MW.

Trong khi nguồn công suất tại chỗ rất lớn, nhu cầu phụ tải của Ninh Thuận và Bình Thuận lại rất nhỏ. Theo tính toán cân bằng công suất của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, từ nay đến tháng 12/2020, tỉnh Ninh Thuận chỉ dao động 100-115 MW và Bình Thuận 250-280 MW. Chính vì vậy, công suất cần phải truyền tải từ 2 địa phương này cũng lớn, với Ninh Thuận là 1.000-2.000 MW và Bình Thuận 5.700-6.800 MW (bao gồm cả các nguồn điện truyền thống).

EVN anh 1
Lưới điện tại Ninh Thuận, Bình Thuận trong tình trạng quá tải.

Theo EVN, ông Nguyễn Đức Cường - Giám đốc Trung tâm điều độ hệ thống điện quốc gia (A0), cho hay việc quá tải lưới điện đã được EVN/A0 cảnh báo công khai tới các chủ đầu tư ngay từ đầu. Hiện nay, EVN/A0 cũng áp dụng mọi giải pháp, sáng tạo, nghiên cứu để tạo điều kiện cho các nhà máy được phát điện ở mức tối đa.

Cắt giảm công suất phát vì an toàn hệ thống điện

Việc quá tải hệ thống lưới truyền tải buộc A0 phải cắt giảm công suất của các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở một số thời điểm, nhằm đảm bảo an toàn cho hệ thống điện. Việc tăng/giảm công suất các nhà máy năng lượng tái tạo (NLTT) đều được A0 thực hiện theo quy định bảo đảm tính công khai, minh bạch và kịp thời. Đặc biệt, A0 cũng ứng dụng phần mềm “Tự động điều chỉnh công suất” (Automatic Generation Control - AGC), trực tiếp điều khiển công suất, nhằm duy trì trao lưu công suất trong ngưỡng cho phép.

Theo ông Nguyễn Đức Cường, EVN/A0 cũng mong muốn được phát hết công suất nguồn điện từ NLTT, bởi giá điện này dù đắt (2.086 đồng/kWh), nhưng vẫn rẻ hơn nhiệt điện dầu (3.000-5.000 đồng/kWh). Trong khi đó, EVN vẫn đang phải huy động nhiệt điện dầu để đảm bảo cung ứng điện đáp ứng nhu cầu phụ tải. Trong chế độ huy động nguồn, các nguồn NLTT luôn được ưu tiên huy động tối đa theo quy định.

“Chúng tôi đã dồn toàn lực trong thời gian qua để mong các nhà máy điện mặt trời đưa vào vận hành, bổ sung công suất cho hệ thống. Nhưng hiện nay phải giảm công suất do quá tải lưới điện, điều mà EVN/A0 không hề mong muốn”, ông Cường khẳng định.

EVN anh 2
Nhiều giải pháp được đưa ra tại hội nghị.

Đại diện chủ đầu Nhà máy Điện mặt trời Phước Mỹ (Ninh Thuận) chia sẻ tại hội nghị, các nhà máy điện mặt trời từ khi khởi công đến khi đi vào vận hành trong thời gian ngắn, sự hỗ trợ hết mình của EVN, A0, công ty mua bán điện trong thời gian qua có ý nghĩa quan trọng. Có những thời điểm nhà máy cần thử nghiệm và đăng ký thời gian rất sát, nhưng các đơn vị của EVN vẫn thực hiện kịp thời, kể cả ngày cuối tuần, thậm chí trong cả kỳ nghỉ lễ 30/4.

Những nỗ lực của EVN và các đơn vị là không thể phủ nhận. Tuy nhiên, nếu tình trạng quá tải kéo dài thì tất cả bên đều bị thiệt hại. Thời gian tới, rất cần sự chung tay từ các bên để tháo gỡ vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ những dự án lưới điện truyền tải nhằm giải tỏa hết công suất của các nhà máy, bổ sung nguồn điện cho đất nước.

Ông Trần Đình Nhân - Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam, cho biết EVN xác định việc giải tỏa công suất các dự án NLTT là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng. Thời gian qua, tập đoàn đã chỉ đạo quyết liệt các đơn vị EVNNPT, EVNSPC đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện. Đồng thời, lãnh đạo EVN đã làm việc với lãnh đạo các địa phương nhằm tăng tốc công tác GPMB cho những dự án. Tuy nhiên, hiện nhiều dự án giải tỏa công suất còn gặp nhiều khó khăn do các vướng mắc về thủ tục, công tác GPMB...

Cũng theo ông Nhân, để triển khai một dự án điện mặt trời chỉ mất khoảng 6 tháng, thậm chí trong thời gian ngắn hơn. Có dự án cách đây 2 tháng là bãi đất trống, hiện đã đóng điện thành công. Trong khi đó, để thực hiện một dự án lưới điện truyền tải 220 kV, 500 kV mất khoảng 3-5 năm. Do đó, song song với nỗ lực của EVN, để triển khai nhanh nhất các dự án giải tỏa công suất nhà máy NLTT đang vận hành, Tổng giám đốc EVN mong muốn nhận được sự chia sẻ, hỗ trợ từ chính quyền địa phương và chủ đầu tư.


Giang Di Linh

Bạn có thể quan tâm