Trả lời Zing.vn tại buổi họp báo chiều 26/8 về tiến độ xây dựng các nhà máy đốt rác phát điện, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TNMT) TP.HCM, cho biết đã có 3 doanh nghiệp chuyển đổi công nghệ xử lý rác từ tái chế sang đốt rác phát điện.
Ba đơn vị này gồm: Công ty cổ phần Vietstar, Công ty cổ phần đầu tư và phát triển Tâm Sinh Nghĩa và Công ty cổ phần Tasco. Từ nay đến năm 2020, mỗi doanh nghiệp sẽ xây dựng một nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn/ngày.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, tại buổi họp báo. Ảnh: Nguyên An. |
Ông Thắng cho biết theo chỉ đạo của thành phố, các chủ đầu tư đã hoàn thiện thủ tục pháp lý để sớm khởi công xây dựng nhà máy đốt rác phát điện.
"Lượng rác ở thành phố hiện khoảng hơn 8.000 tấn/ngày. Với công suất thiết kế các nhà máy dự kiến xây dựng, đến năm 2020 hoàn toàn có thể kéo giảm lượng rác chôn lấp xuống thấp hơn 50%", ông Thắng khẳng định.
Ông Ngô Xuân Tiệc, Tổng giám đốc Công ty Tâm Sinh Nghĩa, cho biết đặc thù rác ở thành phố là độ ẩm cao, lượng nhiệt thấp nên khó tìm công nghệ phù hợp. Nếu áp dụng công nghệ đốt rác nguyên bản từ các nước châu Âu hoặc Nhật Bản, Hàn Quốc thì không thành công.
Phía doanh nghiệp đã khảo sát nhiều nhà máy đốt rác ở Trung Quốc, quốc gia có điểm tương đồng về thành phần rác thải và nhận thấy rằng có thể học hỏi. Từ đó, doanh nghiệp thuê chuyên gia nước ngoài cải tiến công nghệ Martin (Đức) cho phù hợp với thành phần rác ở Việt Nam.
"Dự kiến trong tháng 10, Công ty Tâm Sinh Nghĩa khởi công nhà máy đốt rác phát điện công suất 2.000 tấn ngày", ông Tiệc thông tin.
Trong khi đó, ông Ngô Như Hùng Việt, Giám đốc Công ty Vietstar, cho hay ngày 28/8 tới đây, doanh nghiệp sẽ khởi công nhà máy đốt rác phát điện có tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu USD.
Phần lớn lượng rác thải sinh hoạt ở TP.HCM được chôn lấp ở bãi rác Đa Phước. Ảnh: Lê Quân. |
Cũng tại buổi họp báo, Zing.vn đặt câu hỏi trách nhiệm của Sở TNMT khi để mùi hôi từ bãi rác Đa Phước phát sinh trong thời gian dài. Từ nhiều tháng qua, hàng nghìn cư dân khu Nam Sài Gòn phản ánh mùi hôi từ bãi rác Đa Phước khiến cuộc sống họ bị đảo lộn. Điều đáng lo ngại, một số người cho rằng mùi hôi đang áp sát nội thành.
Ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TNMT, không trả lời trực tiếp mà hứa sẽ cung cấp thông tin bằng văn bản để dành thời gian trao đổi về công nghệ đốt rác phát điện.
Trong năm 2018, thành phố thu gom, vận chuyển hơn hơn 3 triệu tấn rác thải sinh hoạt, trung bình hơn 9.200 tấn/ngày. Chất thải rắn sinh hoạt được xử lý dưới dạng chôn lấp hơn 2,2 triệu tấn, chiếm 72,5% tổng khối lượng.
Trong đó, chôn lấp tại khu Đa Phước hơn 2 triệu tấn, trung bình hơn 6.000 tấn/ngày, khu Tây Bắc hơn 207.000 tấn, tái chế tại Công ty cổ phần Vietstar hơn 444.000 tấn, tái chế tại Công ty cổ phần Tâm Sinh Nghĩa là 401.000 tấn.