Ngày 7/8, người dân quận 7 và huyện Nhà Bè, huyện Bình Chánh (TP.HCM) được Sở Tài nguyên và Môi trường dẫn đi giám sát 3 nhà máy trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Động thái này diễn ra sau khi người dân liên tục phản ánh mùi hôi nồng nặc từ hướng khu xử lý chất thải Đa Phước bay về.
Chị Nguyễn Hồng Thu (cư dân Green Valley, quận 7) cho biết có khoảng 50 người dân cùng đại diện sở, ngành tham gia buổi giám sát. Đại diện 3 công ty trong khu xử lý chất thải Đa Phước dẫn đoàn đi thực tế các nhà máy, khu vực chôn lấp rác.
Dẫn đi khảo sát nhưng không cho chụp hình
Sau khi đi thực tế khu xử lý rác của Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS), bà Tô Hồng Trang (quận 7) tỏ ra thất vọng khi không được quay phim, chụp hình bãi rác Đa Phước.
“Tôi được quận mời giám sát nhưng không được công ty cho quay phim, chụp hình bãi chôn lấp. Tôi không đồng ý vì như vậy người dân không có bằng chứng để gửi chính quyền các cấp”, bà Trang lập luận.
Người dân làm việc với Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam. Ảnh: Hồng Thu. |
Cư dân này cho biết qua các năm, mùi hôi càng nhiều và ảnh hưởng đến người dân phạm vi rộng hơn. Việc chính quyền mời người dân giám sát vào khung giờ nhất định chưa phản ánh hết mùi hôi của khu xử lý rác.
Do đó, bà Trang đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường và chính quyền địa phương tổ chức đường dây nóng tiếp nhận phản ánh người dân và đến ngay vị trí người dân ở để kiểm tra, xác minh.
Tại buổi làm việc, phía Công ty VWS cho rằng mùi hôi phát tán do không có dải cây xanh cách ly và việc phân loại rác tại nguồn chưa triệt để nên không áp dụng được công nghệ đốt rác dẫn đến khối lượng chôn lấp lớn. Bà Trang không đồng ý với các lý do của Công ty VWS đưa ra nhằm biện hộ cho công nghệ chôn lấp quá lạc hậu, không xử lý triệt để mùi hôi.
Bãi rác Đa Phước ngày càng phình to. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Đại diện cho khu dân cư Sunrise Central, ông Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết khu ông ở dù cách xa nhà máy nhưng vẫn bị ảnh hưởng mùi hôi. Do đó, ông đề nghị TP phải xem lại quy hoạch nhà máy chôn lấp rác so với hiện nay có phù hợp hay không. Đồng thời, Sở Tài nguyên và Môi trường làm việc với Công ty VWS về việc thay đổi công nghệ xử lý chất thải.
Trong khi đó, ông Phạm Văn Hai (ngụ xã Phước Kiển, huyện Nhà Bè) mong muốn thành phố sớm triển khai vành đai cây xanh cách ly để giảm thiểu mùi hôi. Ngoài ra, thành phố cần kiểm soát chất lượng vệ sinh phương tiện vận chuyển rác vào khu xử lý Đa Phước.
Bãi rác Đa Phước là tốt nhất?
Đại diện Công ty VWS nói rằng với kinh nghiệm vận hành nhiều bãi chôn lấp tại Mỹ thì Khu xử lý chất thải Đa Phước là tốt nhất, đáp ứng các quy định của pháp luật Việt Nam và quy chuẩn của Mỹ.
Công ty VWS cho hay nước thải được xử lý bằng công nghệ vi sinh kết hợp lọc nano, nước sau xử lý được tái sử dụng 100%. Đại diện công ty cho biết các bãi chôn lấp nơi khác không dùng công nghệ xử lý nước thải, sử dụng liner để che phủ rác như Đa Phước.
Công nghệ chôn lấp rác ngày càng lạc hậu nhưng thành phố vẫn chưa có nhà máy đốt rác phát điện nào. Ảnh: Quỳnh Danh. |
Ông Lê Trung Tuấn Anh, Trưởng phòng Quản lý Chất thải rắn (thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường) đề nghị Công ty VWS thực hiện các biện pháp khống chế mùi hôi, đặc biệt là khung giờ mà người dân phản ánh.
Theo ông, thành phố nhìn nhận công nghệ chôn lấp rác có nhiều hạn chế về bảo vệ môi trường nên đang làm quyết liệt việc chuyển đổi công nghệ xử lý rác. Đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường đề nghị Công ty VWS sớm triển khai đề án chuyển đổi công nghệ xử lý, trình dự án và có lộ trình cụ thể để công bố cho người dân biết.
Đối với đề xuất ghi nhận tức thì mùi hôi của người dân, đại diện Sở Tài nguyên và Môi trường cho hay Sở và chính quyền địa phương sẽ tiếp tục cập nhật thông tin mùi hôi và tổ chức khảo sát khu dân cư để ghi nhận.
Sau buổi giám sát này, Sở Tài nguyên và Môi trường sẽ tổng hợp ý kiến và phối hợp với Ủy ban Mặt trận Tổ quốc TP báo cáo UBND TP các nội dung, ý kiến người dân và kiến nghị các biện pháp giải quyết.