Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM vừa đề nghị các doanh nghiệp trong Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước ở huyện Bình Chánh tăng cường biện pháp khống chế mùi hôi.
Động thái này đưa ra sau khi người dân khu nam Sài Gòn gồm các quận 7, 8, huyện Bình Chánh và Nhà Bè liên tục phản ánh mùi hôi bốc ra từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước khiến cuộc sống của họ bị đảo lộn.
Bãi rác Đa Phước ngày càng phình to, làm tăng nguy cơ phát sinh mùi hôi. Ảnh: Tiến Tuấn. |
Thống kê từ Ban quản lý các khu liên hợp xử lý chất thải TP và đường dây nóng của Bí thư Thành ủy cho thấy từ tháng 5 đến nay, mức độ phản ánh của người dân về mùi hôi phát sinh từ khu vực này tăng so với thời điểm đầu năm.
Do đó, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đề nghị các công ty nêu trên kiểm tra, đánh giá mùi hôi phát sinh trong quá trình vận hành, xử lý chất thải tại khuôn viên nhà máy cũng như các khu dân cư lân cận.
Trên cơ sở kết quả kiểm tra, 3 doanh nghiệp xử lý chất thải chủ động đề xuất các giải pháp kiểm soát, khống chế mùi hôi có hiệu quả đối với từng nguồn phát sinh trong quá trình vận hành.
Trong nhiều năm qua, người dân khu nam Sài Gòn thường xuyên bị tra tấn bởi mùi hôi nồng nặc từ Khu liên hợp xử lý chất thải Đa Phước. Nhiều gia đình đóng cửa suốt ngày để không phải ngửi mùi hôi, có hộ bán nhà dọn đi chỗ khác.
Trong khu này có 3 doanh nghiệp này gồm: Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam (xử lý chất thải rắn sinh hoạt), Công ty TNHH công nghệ sinh học Sài Gòn Xanh (xử lý bùn thải) và Công ty cổ phần dịch vụ môi trường Hòa Bình (xử lý bùn bể phốt).
Đối với bãi rác Đa Phước do Công ty TNHH Xử lý chất thải rắn Việt Nam vận hành, mỗi ngày tiếp nhận gần 6.000 tấn rác thải sinh hoạt. Từ năm 2016, Sở Tài nguyên và Môi trường TP đã yêu cầu doanh nghiệp vận hành thực hiện 10 giải pháp khống chế mùi hôi.