Chúng ta biết là mọi hiện tượng trên đời chỉ là hiện tượng hoàn toàn trung tính. Hiện tượng không có ý nghĩa nào tự chúng nó. Ý nghĩa của các hiện tượng là do chính chúng ta cho. Các ý nghĩa ta cho hiện tượng có thể chia ra thành 3 nhóm: Tích cực, tiêu cực và trung tính.
Ví dụ: Mưa. Nhìn mưa chúng ta có thể thấy lòng phơi phới, như:
Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay
Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy
Hội chèo làng Ðặng đi ngang ngõ
Mẹ bảo: “Thôn Ðoài hát tối nay”.
(Mưa xuân - Nguyễn Bính)
Hay sầu buồn, như:
Mưa buồn... buồn lắm... mưa ơi
Mịt mù cuối đất cùng trời Biển Đông
(Mưa buồn - Nguyễn Khuyến)
Hay trung tính, chẳng vui chẳng buồn, như:
Sau mưa, khe và núi sạch sẽ
Rừng phong, một giấc mơ ngắn
Nhìn lại cõi đời bụi bặm
Mở mắt, say mang mang.
(Ngủ trưa - Thiền sư Huyền Quang)
Cái nhìn trung tính đối với mọi hiện tượng là của các thiền sư. Nếu được vậy thì rất tốt. Tuy nhiên, trong đời sống thường nhật tất bật này, có được tâm hoàn toàn tĩnh lặng và trung tính như thiền sư rất khó.
Cách dễ nhất cho chúng ta là chọn giữa tích cực và tiêu cực. Đây chỉ là vấn đề lựa chọn. Nếu ta chọn tư duy tích cực, cuộc đời và thế giới của ta tích cực vui tươi. Nếu ta chọn tiêu cực, cả thế giới là màu đen.
Cái nhìn nào cũng đều có khả năng dẫn ta đi theo hướng của nó. Đây là điều mà các triết gia hay nói: Ta tạo thế giới của chính mình. Đó là căn bản của tư duy tích cực, chẳng có gì là khó hiều cả.
Tuy nhiên, vấn đề là thế giới có hai luồng tư duy tích cực và tiêu cực. Và hai luồng tư tưởng này có đầy dẫy quanh ta, vô hình vô tướng. Nếu chúng ta không nhạy cảm, chúng ta hít cả hai luồng vào cùng một lúc. Chỉ cần một tí tiêu cực mà ta không biết là có thể làm hỏng luồng tư duy tích cực của ta. Một luồng không khí trong lành, chỉ cần một tí khí độc là thành xấu.
Một đội bóng 12 người, cần mấy người tồi để đội bóng thua cuộc, các bạn? Một nửa, 6 người? 7 người? Thưa, một người. Chỉ cần một người phá bóng là cả đội thua.
Xây nhà cũng thế. Căn nhà có bốn góc, chỉ một góc nền sụp đổ là sụp đổ cả căn nhà, không cần phải đợi đến 2 hay 3 góc sụp.
Bản chất của xây dựng là thế. Ta có 12 người xây căn nhà trong một năm, chỉ cần một người đốt nhà trong 15 phút.
Tư duy tích cực là tiến tình xây dựng. Bạn xây dựng cả hàng chục năm. Chỉ cần làm việc chung với một đám tham nhũng vài tuần. Vì điều này hay khác, bạn đồng ý với đường làm ăn ma đạo của họ, công trình cả bao nhiêu năm luyện tập của bạn đã bị thương tổn rất lớn.
Và nếu sau đó bạn lại hành động theo kiểu “tay đã lỡ nhúng chàm,” toàn công phu tu tập có thể tan rã. Vì vậy, chúng ta cần nhậy cảm để nhận ra thế nào là tích cực, thế nào là tiêu cực trong đời sống hàng ngày. Và đôi khi ta cần tỏ thái độ với mọi người, như thế là sai, là không được.
Nhưng đây lại là vấn đề rắc rối. Chúng ta làm việc và sống chung với mọi người, cần giữ hòa khí và tình anh chị em. Vấn đề này, mỗi người chúng ta biết là nên làm gì trong những tình huống thực tế ta gặp. Không có công thức chính xác. Tuy nhiên, chúng ta có thể tham khảo một số đề nghị chung chung sau đây:
Trước hết, nói chung là chúng ta nên tránh những người thầy tiêu cực. Tiêu cực một tí thì không sao, những người tiêu cực hạng thầy thường làm cho ta rất mất năng lượng. Nghe họ nói một hồi là ta sẽ bực mình, trầm cảm, hay rất xuống tinh thần. Không nên mất năng lượng ngồi nghe họ. Có hại cho chính mình.
Gặp những trường hợp làm việc trong một công ty ma đạo và mình sẽ phải đi theo họ, như là làm kế toán viên và phải giả mù để giấy tờ giả thông qua, thì tốt hơn là nên tìm công ty khác làm việc.
Ngồi nói chuyện với một vài bạn, cứ mang người không có mặt ra nói xấu, ta nên nhắc các bạn không nên nói về người vắng mặt và nên đổi chủ đề nói chuyện.
Ngồi với một số bạn làm chung mà cứ nói xấu công ty của mình, ta nên nói với các bạn bàn cách giải quyết vấn đề, hoặc là tự giải quyết nếu có thể được, hoặc là báo cho cấp trên, và không nên tiếp tục phàn nàn mà không chịu tìm cách giải quyết.
Và khi ta nghe một luồng tư duy tiêu cực, đừng gật đầu đồng ý theo chỉ vì lịch sự. Nếu thấy không nên nói gì, thì không nên nói gì, đừng gật đầu hùa theo chỉ vì lịch sự.
Và khi bạn nói chuyện tích cực, nếu có người cho rằng bạn ngây thơ, không hiểu đời, hay đạo dức giả, thì mỉm cười, nhưng đừng để các ‘thức giả” lung lạc.
Nói chung, nếu ta ngồi trước cửa nhà mà thấy người thả khí độc lên trời thì phải làm gì đó. Đừng ngồi đó hoan hô. Ngay cả, đừng ngồi yên đó nhìn.
Tư duy tích cực là tích cực xây dựng tư duy trong tâm mình, cũng như môi trường tư duy tích cực quanh mình. Ta không thể tư duy tích cực nếu tiêu cực trước những luồng sóng tiêu cực trong xã hội. Làm gì thì tùy bạn. Nhưng “do something”!
Sau cùng, tại sao phá hoại dễ hơn xây dựng cả trăm lần, mà xã hội lại chưa diệt vong, các bạn? Đáng lý ra thì xã hội loài người đã tan rã mất tiêu rồi chứ?
Thưa, hiện tượng xã hội loài người ngày càng tiến triển, dù phá hoại thì dễ hơn xây dựng rất nhiều, là bằng chứng hùng hồn rằng số người phá hoại rất ít so với số người xây dựng.
Đó là chứng mình rất rõ “nhân chi sơ tính bản thiện.” Vì vậy, nếu là người tư duy tích cực, bạn có nhiều đồng minh hơn bạn tưởng.