Hội đồng quản trị CTCP Tập đoàn Xây dựng Hòa Bình (HBC) vừa công bố loạt nghị quyết về thay đổi nhân sự cấp cao. Trong đó, đáng chú ý là việc bổ nhiệm ông Lê Văn Nam vào vị trí tổng giám đốc kể từ ngày 1/6.
Ông Nam sinh năm 1976, tốt nghiệp chuyên ngành kỹ sư xây dựng tại ĐH Bách khoa TP.HCM. Năm 2001, ông làm việc ở HBC với vị trí kỹ sư giám sát, sau đó thăng tiến lên chỉ huy phó, chỉ huy trưởng, giám đốc dự án.
Từ năm 2014-2019, ông trở thành phó tổng giám đốc phụ trách khu vực miền Bắc. Đến giữa năm 2019, ông Nam từ nhiệm vị trí này.
Trước khi ông Nam được bổ nhiệm, ghế tổng giám đốc của HBC đã để trống kể từ tháng 7/2022 khi công ty miễn nhiệm ông Lê Viết Hiếu - con trai Chủ tịch Hội đồng quản trị Lê Viết Hải - để đảm bảo tính pháp lý.
Ông Lê Văn Nam được bổ nhiệm làm tổng giám đốc mới của Xây dựng Hòa Bình. Ảnh: HBC. |
Trước đó, vào cuối năm ngoái, công ty xây dựng này cũng vừa phát sinh lục đục nội bộ liên quan việc tiếp tục làm chủ tịch HĐQT của ông Lê Viết Hải và hoãn thi hành bổ nhiệm ông Nguyễn Công Phú làm chủ tịch thay thế.
Sau nội chiến, Hòa Bình vẫn đang gặp khó khăn trong hoạt động kinh doanh. Đến thời điểm này, công ty vẫn chưa có BCTC kiểm toán và BCTC thường niên 2022.
Chính vì vậy, Sở Giao dịch Chứng khoán TP.HCM (HoSE) vừa ban hành quyết định đưa cổ phiếu của Xây dựng Hòa Bình vào diện hạn chế giao dịch do chậm nộp báo cáo tài chính năm 2022 đã được kiểm toán quá 45 ngày so với quy định. Theo đó, cổ phiếu HBC chỉ được giao dịch trong phiên chiều của ngày giao dịch theo phương thức khớp lệnh tập trung và phương thức giao dịch thỏa thuận kể từ 23/5.
Lãnh đạo HBC cho biết sẽ thực hiện công bố thông tin BCTC kiểm toán 2022 chậm nhất là ngày 30/5. Đồng thời, công ty cũng sẽ thực hiện công bố báo cáo thường niên năm 2022 theo quy định.
Cùng với việc bổ nhiệm tổng giám đốc mới, HBC hôm nay cũng thông báo nhiều quyết định bổ nhiệm và miễn nhiệm các nhân sự cấp cao khác như phó tổng giám đốc, kế toán trưởng, chủ tịch và tổng giám đốc công ty con.
Năm 2023, kinh tế thế giới được dự báo còn nhiều biến động và chưa thể phục hồi nhanh. Nhiều nền kinh tế lớn vẫn phải đối mặt với các rủi ro như GDP tăng trưởng chậm, lạm phát, thất nghiệp, nợ xấu... Mời độc giả của Zing đón đọc Tủ sách kinh tế 2023 để nắm bắt những kiến thức, thông tin kinh tế mới trong năm 2023.