Nhiều tác giả mới có tác phẩm viết cho độc giả nhỏ tuổi nhưng ít người chuyên tâm theo con đường này; tác phẩm ra mắt tăng về số lượng, đa dạng về chất lượng nhưng chưa có nhiều tác phẩm đặc sắc tạo cơn sốt… Đây là thực tế của văn học dành cho thanh niên, thiếu nhi Việt Nam.
Thiếu vắng những “hiện tượng”
Tại Hội thảo trao đổi về văn học thiếu nhi và thanh thiếu niên đương đại tại Việt Nam và châu Âu cuối tuần qua, nói về sự phát triển văn học thiếu nhi từ năm 2010 đến nay, Phó Giám đốc, Tổng Biên tập NXB Kim Đồng Vũ Thị Quỳnh Liên cho biết: đội ngũ sáng tác có phổ tuổi tương đối rộng, từ tác giả thế hệ 5x đến thế hệ gene Z (sinh đầu những năm 2000), tuy nhiên sung sức nhất là tác giả thuộc thế 7X-9X.
Thế hệ 9X, gene Z dù được động viên, song dường như nhiều tác giả vẫn lựa chọn viết lách như thú vui, chưa xác định trở thành người viết chuyên nghiệp. Các tác giả trong nước chủ yếu phản ánh hiện thực cuộc sống của thanh thiếu nhi qua những câu chuyện gia đình, trường lớp, tình bạn, tình yêu. Một số tác giả đã tìm ra những lát cắt mới để phát triển, lựa chọn cách kể vui tươi, lạc quan, không nặng tính giáo điều…
Sách văn học cho thanh thiếu niên còn thiếu những "hiện tượng". |
Theo bà Vũ Thị Quỳnh Liên, gần đây, tiểu thuyết hay bộ truyện của các tác giả trong nước ngày một vắng bóng ở mảng sách thiếu nhi, đa phần mới dừng ở truyện ngắn, tản văn và du ký. Đề tài tập trung vào thời thơ ấu, gia đình, bạn bè, tìm hiểu về chính mình, quá trình trưởng thành, hay cảm xúc tâm lý. Các đề tài về chiến tranh, lịch sử cũng ít hơn so với giai đoạn trước; thấp thoáng các đề tài bình đẳng giới, LGBT, sức khỏe tinh thần - nhất là 2 năm dịch bệnh đã có nhiều tác phẩm về chủ đề này với sự tác động đa chiều đối với đời sống tâm lý và thói quen sinh hoạt… Điểm nổi bật là các tác phẩm văn học đổi mới về hình thức với nhiều minh họa, thậm chí nâng lên thành dòng sách nghệ thuật, sách đẹp. Nhiều tủ sách, bộ sách được nhóm theo lứa tuổi, thể loại, giải thưởng, đề tài…
Cho rằng thời gian qua ngành xuất bản chứng kiến sự phát triển của sách thiếu nhi cả về nội dung và hình thức, số lượng và chất lượng, song Trưởng phòng Thiếu nhi, Công ty Cổ phần Văn hóa và Truyền thông Nhã Nam Trần Lê Thùy Linh nhận định sách thiếu nhi ở Việt Nam hiện nay phần lớn vẫn là sách dịch. Nhiều loại sách khổng lồ, sách cắt dán... nội dung được chuyển tải bằng các hình thức bắt mắt luôn được độc giả nhỏ tuổi đón nhận.
Đối với tác giả Việt Nam, số lượng tác phẩm đặc sắc còn hạn chế, và thường chỉ là câu chuyện hồi ức của người lớn chứ không phải sáng tác hướng đến trẻ em. Đáng chú ý là hình thức sách được cải thiện, sách ngày càng đẹp hơn với minh họa sáng tạo độc đáo…
Nhiều ý kiến chung nhận định, thị trường sách thiếu nhi hiện nay khá phong phú, ít sách có sạn so với giai đoạn trước, đội ngũ tác giả trong nước viết sách cho thiếu nhi cũng ngày càng nhiều. Tuy vậy, thiếu vắng cuốn sách trở thành hiện tượng, cũng như chưa có tác giả làm nên cơn sốt cho độc giả.
Khoảng trống cần lấp đầy
“Phỏng vấn nhanh thiếu nhi tại hội sách về đề tài yêu thích, chúng tôi đã nhận được câu trả lời là các em mong muốn được đọc các tác phẩm phiêu lưu, giả tưởng, trinh thám, không thích truyện có "Bài học rút ra là...". Đây cũng là đề tài chúng tôi tìm kiếm và khuyến khích, nhưng tương đối khó bán, các tác giả Việt Nam cũng chưa mạnh dạn đi theo con đường này”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên thông tin.
Đề tài khoa học viễn tưởng là mảnh đất mới được khai phá, bộ sách gần nhất mà Nhà xuất bản Kim Đồng ra mắt là từ trước năm 2010 của nhà văn Phan Hồn Nhiên, sau đó chưa có thêm tác phẩm nào.
Phó Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Trẻ Nguyễn Thành Nam cũng cho rằng văn học kỳ ảo là "trận địa" khá trống với văn học trong nước. Tác phẩm thành công hiếm hoi của đơn vị này là Chuyện xứ Lang Biang của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh, sau đó có một số tác phẩm khác ra mắt nhưng chưa được độc giả đón nhận.
“Chúng tôi không biết phải đầu tư thế nào cho thể loại này, nhưng đây vẫn là một xu hướng, nhu cầu thật sự. Thực tế, văn học kỳ ảo của nước ngoài vẫn đứng được trên thị trường, chúng tôi vẫn bán tốt những bộ như Harry Potter, Charlie Bone…”.
Còn theo Giám đốc, Tổng Biên tập Nhà xuất bản Phụ nữ Việt Nam Khúc Thị Hoa Phượng, văn học fantasy Việt có thể hình thành vũ trụ riêng, với nội dung khai thác về nguồn gốc, văn hóa, lịch sử dân tộc. Các nhà xuất bản cần chung tay xây dựng một hệ sinh thái.
Có thể thấy, tác giả sáng tác cho thiếu nhi hiện nay manh mún, không có chiến lược dài hơi. Nếu có hệ sinh thái tác giả viết cho thiếu nhi, kết nối được cộng đồng độc giả nhỏ tuổi, các em có thể bày tỏ về các đề tài mình quan tâm và yêu thích, gợi ý cho người viết…
Thực tế, sách văn học thiếu nhi Việt Nam đang gặp khó khăn, vì phải cạnh tranh nhiều với các loại hình giải trí khác và cả sách văn học dịch. Số đầu sách văn học chưa nhiều, số lượng bản in khiêm tốn, nhiều tác phẩm in từ 1.500 - 2.000 bản/đầu sách, thời gian phát hành tương đối dài, có thể trên 1 năm…
“Phát triển văn học thiếu nhi là con đường nhiều chông gai. Tuy nhiên, các đơn vị xuất bản vẫn kiên trì tìm kiếm, đồng hành với tác giả, tiếp tục xuất bản các tác phẩm nhằm góp phần bồi đắp tâm hồn cho thiếu nhi. Chúng tôi cũng mong muốn thường xuyên có sự giao lưu, trao đổi kinh nghiệm giữa tác giả trong và ngoài nước để phát triển chuyên môn của những cây bút chưa chuyên nghiệp”, bà Vũ Thị Quỳnh Liên nói.