Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nỗ lực bổ sung 'vitamin thiên nhiên' cho thiếu nhi

Theo motif phiêu lưu của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi lừng danh, "Ong Béo và Ong Gầy" đưa bạn đọc nhỏ khám phá thiên nhiên tươi đẹp.

Văn học cho thiếu nhi - một cách mặc định, ta hiểu khái niệm “thiếu nhi” ở đây là để chỉ những độc giả trong độ tuổi từ khi biết đọc, 5-6 tuổi, kéo dài đến vị thành niên, 14-15 tuổi - là miền đất luôn có thừa các nhà văn ghé qua để thăm thú, thử sức nhưng rất ít, cực ít những người sáng tác chuyên chú.

Ong Beo va Ong Gay anh 1

Sách Ong Béo và Ong Gầy. Ảnh: Y.N.

Hành vi mơ mộng và tưởng nhớ tuổi thơ đã một đi không trở lại

Chất lượng của các tác phẩm văn học cho thiếu nhi, ở một mức độ nào đó, cũng phản ánh đúng tình hình như vậy. Nhìn vào văn chương hiện đại Việt Nam từ khi manh nha cho đến nay là đủ để thấy.

Người ta có cả trăm lý do để “viết cho thiếu nhi”: viết tặng con, cháu, hoặc những đứa trẻ thân yêu mà nhà văn muốn trao gửi tấm lòng người lớn đôn hậu; viết để nêu gương, giáo huấn, hoặc giúp trẻ bồi bổ nhận thức; nhưng đích đáng nhất và hiệu quả nhất của cái sự “viết cho thiếu nhi”, theo tôi, là các tác giả phải biết viết cho mình, viết như hành vi mơ mộng hoặc tưởng nhớ cho tuổi thơ một đi không trở lại của chính mình.

Với suy nghĩ ấy, tôi tin rằng truyện dài cho thiếu nhi Ong Béo và Ong Gầy của nhà văn Uông Triều, trước hết, chính là hành vi mơ mộng và tưởng nhớ tuổi thơ đã một đi không trở lại của Nguyễn Xuân Ban (tên khai sinh, vốn hay bị chìm lấp dưới bút danh Uông Triều).

Dĩ nhiên, tuổi thơ ấy, những mẩu mảnh nhất định của nó và những ấn tượng nhất định về nó đã có ảnh xạ ít nhiều trong các tác phẩm trước đây của anh, như tiểu thuyết đầu tay: Tưởng tượng và dấu vết, hay tiểu thuyết gần nhất: Cô độc. Nhưng phải đến một tác phẩm như Ong Béo và Ong Gầy, tuổi thơ ấy mới được hồi cố trọn vẹn.

Tôi dùng chữ “trọn vẹn” ở đây không theo ý nghĩa trọn vẹn một lịch sử cụ thể như nó từng diễn ra trong đời một cá nhân, mà là sự trọn vẹn cái vi khí hậu sinh thái - văn hóa tuổi thơ của cả một thế hệ: thế hệ chúng tôi, những người đang ngấp nghé ngưỡng tuổi tri thiên mệnh. Bởi vì, truyện Ong Béo và Ong Gầy của Uông Triều là sự cất lên tiếng nói của thiên nhiên, của tự nhiên, của thế giới các loài côn trùng, gặm nhấm, các loài cá, thú, chim muông, cây cỏ.

Cái thế giới ấy, về cơ bản, khá thân quen với tuổi thơ của rất nhiều người thuộc thế hệ chúng tôi, ngay cả khi những người đó sống ở các thành phố, trong những căn nhà mặt phố, hay trong ngõ, hoặc những căn hộ thuộc các khu tập thể.

Hồi đó, 30-40 năm trước, thiên nhiên có mặt trong các thành phố nhiều và đậm đặc hơn bây giờ rất nhiều. Hồi đó, tốc độ của cuộc sống nói chung và áp lực của việc học hành thi cử lên đám trẻ con thế hệ chúng tôi cũng không cuồng nộ nghẹt thở như bây giờ. Cho nên chúng tôi có những khoảng thiên nhiên, tự nhiên của mình, và chúng tôi có thời gian để chơi, để tìm hiểu khám phá và mơ mộng trong những khoảng thiên nhiên, tự nhiên kỳ thú ấy.

Tóm lại, chúng tôi có tuổi thơ, cái mà tuổi thơ bây giờ dường như không có, hoặc nếu có thì cũng có rất ít, rất mỏng, và theo những cách thức nhân vi ngụy tạo, đối lập hoàn toàn với sự tiếp xúc trực tiếp cùng thiên nhiên, trong tự nhiên.

Ong Beo va Ong Gay anh 2

Tranh của Tạ Huy Long minh họa Dế Mèn phiêu lưu ký - cuộc phiêu lưu khám phá thiên nhiên chinh phục bao bạn đọc nhỏ. Ảnh: Y.N.

Một nỗ lực vì người đọc nhỏ tuổi

Nhìn từ giác độ xã hội này, theo tôi, truyện dài Ong Béo và Ong Gầy của Uông Triều là một trong những nỗ lực - có thể đầy tuyệt vọng - bổ sung “vitamin thiên nhiên” cho độc giả thiếu nhi hôm nay, những "tù nhân" của màn hình tivi, máy tính, hoặc các thiết bị nghe nhìn hiện đại, những "lao động khổ sai" qua các giờ học trực tiếp hoặc trực tuyến liên miên, những "kho hàng" để các bậc cha mẹ chất chứa biết bao hy vọng từng bất thành tan nát của cuộc đời mình...

Mặt khác, học theo motif phiêu lưu của nhiều tác phẩm văn học thiếu nhi lừng danh trong văn chương Việt Nam và văn chương thế giới - phiêu lưu với đủ các tình huống nhân vật phải đối mặt những hiểm nguy, các cuộc chiến đấu, các âm mưu, và cả một chút ái tình nữa - tôi hy vọng rằng Ong Béo và Ong Gầy của Uông Triều là truyện thiếu nhi sẽ mang lại cho độc giả nhỏ tuổi cái cảm giác hấp dẫn, đầy say mê khi được phiêu lưu cùng văn bản.

Suy cho cùng thì mọi ý đồ nêu gương, giáo huấn của tác giả (người lớn) đối với người đọc (trẻ em) thành hay bại cũng đều phụ thuộc vào việc giải bài toán này: tác phẩm có thực sự hấp dẫn các em hay không?

Lời giải, tôi xin nhường cho các độc giả nhỏ tuổi bằng việc đọc và khám phá câu chữ, những lớp nghĩa của Ong Béo và Ong Gầy.

'Dế mèn phiêu lưu ký' được xuất bản ở 40 nước

"Dế mèn phiêu lưu ký" là một trong những tác phẩm văn học nổi tiếng của nước ta, đã được dịch ra 15 thứ tiếng trên thế giới.

Nữ họa sĩ 9X vẽ minh họa 'Dế Mèn phiêu lưu ký'

Họa sĩ Đậu Đũa đã vẽ các nhân vật trong sách bằng con mắt của những cô bé cậu bé thời hiện đại. Cô hoàn toàn thoát khỏi tạo hình Dế Mèn của các họa sĩ đi trước.

Hoài Nam

Bạn có thể quan tâm