Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật còn phải trình đi trình lại

Người đứng đầu Chính phủ đánh giá chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng phải trình đi trình lại.

Sáng 21/12, Hội nghị trực tuyến toàn quốc triển khai công tác tư pháp năm 2022 được Bộ Tư pháp chủ trì và kết nối trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố cả nước.

Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao những nỗ lực và biểu dương kết quả mà ngành tư pháp đạt được trong năm qua, đóng góp vào thành tựu của đất nước.

Thủ tướng nhấn mạnh ngành tư pháp đã góp phần cụ thể hóa các chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là trong phòng chống dịch. Tập trung tháo gỡ vướng mắc về mặt thể chế để khôi phục và thúc đẩy sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, ngành tư pháp đã tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, tiêu cực; góp phần nâng cao uy tín quốc tế của Việt Nam qua việc nâng cao các chỉ số trên các bảng xếp hạng toàn cầu.

Thu tuong chi dao hoi nghi tu phap anh 1

Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo hội nghị. Ảnh: Nhật Bắc.

Tuy nhiên, người đứng đầu Chính phủ đánh giá chất lượng xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật vẫn còn hạn chế, vẫn còn tình trạng phải trình đi trình lại. Tiến độ xây dựng nhiều văn bản chưa bảo đảm. Có nơi, có lúc nhận thức chưa đúng tầm về tầm quan trọng, vai trò, vị trí của công tác xây dựng và thực thi pháp luật.

Dự báo tình hình năm 2022 khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ và thuận lợi, người đứng đầu Chính phủ yêu cầu phải chuẩn bị tâm thế để thực hiện nhiệm vụ tốt hơn năm 2021.

“Trong bối cảnh chúng ta xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân, phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, môi trường pháp lý phải hỗ trợ và thúc đẩy sự phát triển, khắc phục các bất cập, giải quyết các khó khăn, vướng mắc phát sinh trong tình hình mới”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Thu tuong chi dao hoi nghi tu phap anh 2

Hội nghị được trực tuyến tới 63 tỉnh, thành phố cả nước. Ảnh: Nhật Bắc.

Tại hội nghị, các bộ trưởng và lãnh đạo địa phương cho rằng việc phòng chống dịch và nhiều nhiệm vụ khác không có tiền lệ, bối cảnh đặc biệt đòi hỏi những giải pháp đặc biệt, vượt quá khung khổ pháp luật hiện hành.

Các đại biểu nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tham mưu cho Chính phủ trong xây dựng các quy định phục vụ phòng chống dịch, bảo đảm an sinh, an toàn xã hội... Bộ Tư pháp đã thành lập tổ công tác đặc biệt để tham mưu xây dựng, hoàn thiện khung khổ pháp lý phục vụ các nhiệm vụ này. Đến nay, nền tảng pháp luật phục vụ phòng chống dịch đã cơ bản đầy đủ.

Đồng thời lãnh đạo các địa phương cũng cho biết đã chủ động, linh hoạt trong việc vận dụng quy định của pháp luật để đề ra các giải pháp thuộc thẩm quyền. Các cơ quan tư pháp, pháp chế đã có nhiều đóng góp với hoạt động của Ban chỉ đạo phòng chống Covid-19 các cấp.

Các bộ, ngành đã giúp Chính phủ xây dựng, trình Quốc hội thông qua 7 luật, nghị quyết. Bộ Tư pháp đã chủ trì, phối hợp với các Bộ tham mưu giúp Chính phủ xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 8 luật để trình Quốc hội xem xét.

Thủ tướng: 'Thực sự có trách nhiệm mới thấy được bất cập'

Làm việc với Bộ Tư pháp, Thủ tướng nhấn mạnh quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự vì lợi ích quốc gia, có trách nhiệm mới thấy được bất cập.

Hồng Quang

Bạn có thể quan tâm