Ngày 25/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Bộ Tư pháp về tình hình thực hiện nhiệm vụ của ngành, một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách trong thời gian tới và giải quyết các kiến nghị, đề xuất của ngành.
Báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết thời gian qua, ngành đã đạt được nhiều kết quả cụ thể, có những lĩnh vực trở thành điểm sáng.
Tuy nhiên, có ý kiến nhận định hệ thống pháp luật còn cồng kềnh, một số quy định còn chồng chéo, mâu thuẫn, bất cập. Tính dự báo, khả thi của hệ thống pháp luật chưa thực sự đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; chi phí tuân thủ pháp luật còn cao.
Bộ trưởng Tư pháp Lê Thanh Long cho biết hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật. Ảnh: VGP. |
Đáng lưu ý, theo ông Long, một số bộ, ngành, địa phương vẫn chưa thực sự chú trọng công tác xây dựng, tổ chức thi hành pháp luật. “Hiện nay, mới chỉ có 5 Bộ trưởng, trưởng ngành trực tiếp phụ trách công tác xây dựng pháp luật”, Bộ trưởng Tư pháp cho biết.
Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá Bộ Tư pháp là cơ quan tham mưu chiến lược, chủ lực của Đảng, của Chính phủ trong xây dựng nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân.
Theo người đứng đầu Chính phủ, quan điểm xuyên suốt trong thời gian tới là phải nâng cao nhận thức, thống nhất hành động để tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, tăng cường đầu tư, kinh phí, cơ sở vật chất và nguồn lực con người cho hoạt động tư pháp.
Ghi nhận những thành tích có tính chất quyết định của ngành, Thủ tướng cũng đồng thời chỉ ra nguyên nhân những hạn chế, yếu kém, bất cập của ngành. Đó là quy trình xây dựng, phê duyệt, thông qua các quy định pháp luật còn nhiều thủ tục rườm rà, mất nhiều thời gian, cầu toàn, trong khi thực tiễn cuộc sống diễn biến rất nhanh, khó dự đoán, khó lường.
Nhiều nơi nhận thức chưa đúng tầm và đầu tư chưa ngang tầm nhiệm vụ cho công tác tư pháp. Các quy định về chi tiêu, bố trí nguồn lực cho công tác này còn bất cập. Sự phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan chưa tốt, Bộ Tư pháp cũng chưa thực sự chủ động trong công tác này.
Cũng theo Thủ tướng, kỷ luật, kỷ cương trong xây dựng pháp luật chưa rõ ràng, chặt chẽ, chưa cá thể hóa trách nhiệm cá nhân; công tác thi đua, khen thưởng kỷ luật chưa được coi trọng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh phải coi trọng nguồn lực con người, đầu tư cho con người; dành sự đầu tư, quan tâm thích đáng cho công tác tư pháp. Ảnh: VGP. |
Để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong thực tiễn, người đứng đầu Chính phủ cho rằng trách nhiệm không chỉ của các bộ chuyên ngành, mà có cả trách nhiệm của Bộ Tư pháp. “Quá trình thẩm định các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật phải thực sự vì lợi ích quốc gia dân tộc, thực sự có trách nhiệm thì mới thấy được bất cập”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Một bài học kinh nghiệm khác được Thủ tướng chỉ ra là phải coi trọng nguồn lực con người, đầu tư cho con người; dành sự đầu tư, quan tâm thích đáng từ lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện, cơ sở vật chất… cho công tác tư pháp.
Cùng với đó, phải coi trọng công tác sơ kết, tổng kết, nghiên cứu khoa học, bám sát thực tiễn để tiếp tục đổi mới trong thực hiện nhiêm vụ. “Xây dựng chính sách thì mời các nhà khoa học, các nhà nghiên cứu là đúng, là cần thiết, nhưng cũng phải mời các nhà hoạt động thực tiễn”, Thủ tướng lưu ý.
Nhắc nhở cán bộ tư pháp giữ vững đoàn kết, song Thủ tướng cũng lưu ý “phải tránh tư tưởng xuôi chiều, không có đấu tranh”.