Sau nhiều phiên giảm giá xăng liên tiếp, trước sức ép của dư luận, nhiều doanh nghiệp vận tải mới điều chỉnh giá cước xuống. Khi giá xăng đảo chiều tăng ở biên độ hẹp thì đa phần các doanh nghiệp cũng không muốn điều chỉnh giá cước vì mức tăng đó không bù được vào chi phí kê khai lại giá.
Xăng giảm, mất hơn 1 tỷ để cài đặt lại cước
Ông Nguyễn Bảo Toàn, Phó tổng giám đốc Vinasun Taxi cho biết, giá xăng giảm liên tiếp trong những tháng đầu năm nên giá cước taxi buộc phải điều chỉnh giảm theo. Đến nay chưa đầy một tháng thực hiện điều chỉnh giá xăng lại tăng lên, tuy nhiên biên độ tăng không nhiều nên có thể lần này giá cước taxi vẫn giữ nguyên.
Việc điều chỉnh lại giá cước, theo ông, là điều mà các doanh nghiệp taxi đều ngại bởi chi phí để cài đặt kê khai lại giá là rất lớn. "Trong lần điều chỉnh giảm vừa qua công ty đã phải mất chi phí hơn 1 tỷ đồng để cài đặt và đăng ký lại nên giá xăng tăng nhẹ cũng không cần thiết để điều chỉnh", ông nói.
Giá xăng tăng vẫn chưa cần thiết để tăng giá cước. Ảnh: VD. |
Đối với các doanh nghiệp vận tải hàng hóa, giá xăng tăng không quá ảnh hưởng vì phần lớn giá thành sẽ được cộng vào trong hợp đồng vận chuyển. Mỗi hợp đồng đều có những phụ lục để điều chỉnh giá cước theo biến động của giá nhiên liệu.
Ông Trần Việt Hùng, Công ty TNHH Dịch vụ giao nhận vận tải và thương mại Công Thành cho biết: “Để hạn chế việc điều chỉnh giá cước liên tục trong một thời gian ngắn nên chúng tôi lập hợp đồng vận chuyển sẽ tính mức giá tỷ lệ cân bằng với giá xăng. Nếu giá xăng tăng một đồng thì giá cước lên 1 đồng, giá xăng giảm 3 đồng thì giá cước cũng xuống 3 đồng. Đây là điều mà doanh nghiệp đều cam kết trong hợp đồng vận tải với khách hàng”.
Trong kỳ điều chỉnh giá xăng lần này mức tăng không cao như dự đoán chỉ ở mức 670 đồng/lít. Mức này, theo nhiều doanh nghiệp đầu mối, vẫn không ảnh hưởng nhiều đến giá cả.
Trao đổi với Zing.vn, ông Lâm Đại Vinh, Phó chủ tịch Hiệp hội vận tải hàng hóa TP HCM chia sẻ, giá xăng tăng không mấy ảnh hưởng do vận tải hàng hóa đa phần dùng nhiên liệu là dầu diesel. Ngoài ra, doanh nghiệp muốn duy trì giá ổn định để đơn giản trong hạch toán.
Do đó, mỗi lần điều chỉnh giá cước, doanh nghiệp phải căn cứ vào mức tăng ở biên độ cộng dồn. Nếu giá nhiên liệu tăng 3-4 phiên liên tiếp, lúc đó doanh nghiệp mới tính đến chuyện tăng giá. Còn hiện tại, điều chỉnh mỡi diễn ra một lần ở biên độ hẹp thì vẫn chưa hợp lý để tăng giá cước.
Giá hàng hóa chưa bị tác động nhiều
Chu kỳ giảm giá của xăng sẽ chấm dứt?
Một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu phía Nam phân tích, mức tăng lần này tương đối thấp có thể là do mức độ xả quỹ bình ổn tương đối rộng. Vì vậy, ở lần điều chỉnh tăng đầu tiên này, mức độ tác động đến thị trường là không nhiều vì cũng tương ứng với các mức giảm trước kia.
"Tuy nhiên lần điều chỉnh này có thể chấm dứt chu kỳ giảm liên tiếp từ đầu năm đến giờ. Nguyên nhân có thể là mức giá của thế giới đang có dấu hiệu tăng lên và lần điều chỉnh tiếp theo sẽ khó có động thái giảm”, vị này bình luận.
Chu kỳ điều chỉnh chỉ trong thời gian ngắn nên những chi phí đắp đổi từ việc tăng và giảm giá xăng vẫn chưa tác động gì nhiều đối với mặt bằng giá cả.
Ông Hoàng Trung, Giám đốc công ty Công ty TNHH TMDV Quốc Huấn cho biết, hiện nay, giá vận chuyển và nhiên liệu chỉ chiếm khoảng 5-6% giá thành sản xuất nên mức tăng hơn 600 đồng/lít xăng cũng không mấy tác động không lớn đến các sản phẩm công ty sản xuất và phân phối.
"Tần suất tăng giảm liên tục mà tỷ lệ đắp đổi giữa việc tăng và giảm tương đối cân bằng nên việc điều chỉnh giá cả theo giá xăng rất mất công nên hầu hết các doanh nghiệp vẫn giữ mức giá ổn định”, lãnh đạo doanh nghiệp này chia sẻ.
Trong khi đó, nhiều doanh nghiệp sản xuất đều cho rằng giá xăng không phải là yếu tố quan trọng để cấu thành nên giá thành sản phẩm.
Mức giá cao hay thấp tùy thuộc vào giá nguyên liệu được nhập vào ở mức nào. Vì vậy khi giá hàng hóa tăng lên phần lớn vẫn là do giá nguyên liệu chứ ít khi bị điều chỉnh bởi giá xăng, chỉ trừ những trường hợp giá xăng tăng đột biết chiếm khoảng trên 10% cơ cấu giá sản xuất.