Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xăng tăng, người tiêu dùng cần được chia sẻ sòng phẳng

Người tiêu dùng đã cõng phí "oan" về chênh lệch thuế nhập khẩu trong một thời gian dài. Đến nay, khi xăng tăng trở lại, họ vẫn chưa được doanh nghiệp chia sẻ một cách sòng phẳng.

Không tăng mạnh 1.700 đồng/lít như cảnh báo của doanh ngiệp, quỹ bình ổn xăng dầu đã giải áp lực tăng cao này bằng cách bù cho xăng lên tới 1.047 đồng/lít. Dầu diesel sử dụng quỹ 983 đồng/lít, dầu hoả được bù 909 đồng/kg và dầu mazut được bù 231 đồng/kg.

Áp lực lớn đã được hóa giải bởi số dư hơn 4.000 tỷ đồng của quỹ bình ổn. Ngoài ra, cách tính thuế để định giá cơ sở mới cũng khiến cho giá xăng bớt áp lực tăng mạnh.

gia xang tang anh 1

Xăng tăng người tiêu dùng cần được chia sẻ sòng phẳng


Thông tin tăng giá xăng trong chu kỳ điều chỉnh lần này đã được dự báo trước vì mức thay đổi cách tính giá cơ sở để hài hòa thuế suất giữa các thị trường nhập khẩu.

Cụ thể,  ngày 18/3 vừa qua, liên quan đến thuế trong tính giá cơ sở Thủ tướng Chính phủ đồng ý thay vì xác định thuế nhập khẩu xăng dầu trong tính giá cơ sở theo nhập khẩu ưu đãi (MFN) bằng cách tính theo mức bình quân gia quyền của các biểu thuế (MFN và FTA).

Để dễ hiểu hơn, cơ quan quản lý sẽ căn cứ trên lượng nhập khẩu của các doanh nghiệp đầu mối từ các thị trường khác nhau để đưa ra thuế suất trung bình, sử dụng trong công thức tính giá cơ sở để tính giá quý sau. Thời gian tính bình quân theo quý nhằm đảm bảo tính ổn định trong số liệu nhập khẩu.

Việc dùng mức thuế nhập khẩu bình quân gia quyền sẽ bảo đảm sát với thực tế hàng hoá nhập khẩu từ các nguồn khác nhau của doanh nghiệp xăng dầu, bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và bảo đảm lợi ích của người tiêu dùng, doanh nghiệp và Nhà nước, Bộ Tài chính khẳng định.

Đại diện của Sở Công thương TP HCM nhận định: “Trong hội nhập, nhất là hàng loạt FTA được ký kết thì việc xây dựng một mặt bằng chung vê thuế suất là điều không thể. Việc tính mức bình quân gia quyền là lựa chọn khả dĩ nhất vào thời điểm này. Đây là điều hoàn toàn hợp lý cách tính này sẽ thu hẹp tối đa khoảng cách chênh lệch giữa thuế nhập khẩu thực tế của các doanh nghiệp ở các thị trường với mức thuế làm căn cứ xác định giá bán lẻ xăng dầu”.

Trong khi đó, lãnh đạo một doanh nghiệp đầu mối xăng dầu tai TP HCM cho biết, hầu hết mọi người đều nhìn nhận mức lợi nhuận của doanh nghiệp đầu mối là ở mức cao tương đương nhau.

Tuy nhiên mức lợi nhuận này còn tùy thuộc vào nhiều yếu tố, bởi lẽ mỗi doanh nghiệp lại ký hợp đồng nhập khẩu ở một thị trường khác nhau nên vẫn có sự khác biệt trong cơ cấu lợi nhuận.  Vì vậy, theo vị này, khi Liên Bộ Công thương – Tài chính đưa ra cách tính này sẽ đảm bảo cạnh tranh công bằng giữa các doanh nghiệp nhập khẩu, đồng thời cơ quan quản lý sẽ không phải xử lý về giá.

Nhìn chung, việc sử dụng cách tính giá cơ sở mới là phương án tối ưu để kìm hãm đà tăng ở mức dễ chấp nhận. Việc đảm bảo công bằng giữa các doanh nghiệp cũng được tính đến trong cách tính giá cơ sở lần này. Tuy nhiên để bù đắp cho phần chi phí của người tiêu dùng do chênh lệch thuế vẫn chưa được các doanh nghiệp tính toán song phẳng. Trong khi họ vẫn chủ đọng được vấn đề này.

Trước khi giá xăng tăng, các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đều nhận được công văn hỏa tốc của Liên bộ Công Thương - Tài chính về việc điều chỉnh giá bán lẻ. Công văn này nêu rõ,  giá bán lẻ xăng RON 92 không được cao hơn giá cơ sở 14.422 đồng một lít, xăng E5 là 13.891 đồng, các mặt hàng dầu dao động trong khoảng 7.225-9.873 đồng một lít. 

Một chuyên gia kinh tế tại TP HCM nhìn nhận, điều chỉnh hay tính toán kiểu gì thì việc phải gánh chi phí chênh lệch cho lợi nhuận của doanh nghiệp trong một thời gian dài trước đó cũng khiến người tiêu dùng thiệt hại.

Đến nay mức điều chỉnh tăng lên ở mức nhất định thì việc đầu tiên các doanh nghiệp phải tính toán giá cả thế nào trong giới hạn giá trần 14.422 đồng để bù vào phần thiệt hại trước đó. Tuy nhiên sau khi điều chỉnh doanh nghiệp vẫn niêm yết giá sát nút với giá trần (14.420 đồng/lít).

"Như vậy, sau khi giá tăng dù không nhiều nhưng phần thiệt luôn được đẩy về phía người tiêu dùng mà đáng ra sẽ được chia sẻ từ doanh nghiệp", vị này chia sẻ.

Hiện nay, phương án để truy thu số tiền phải gánh oan của người tiêu dùng vì chênh lệch thuế trước đây vẫn chưa có. Nhưng nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng doanh nghiệp nên xem đây là cơ hội để chia sẻ phần nào những thiệt thòi trước đó của người tiêu dùng.


Bình Nguyên

Bạn có thể quan tâm