Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Xã dùng kẽm gai rào chắn lối đi của nhiều hộ dân: Tổ chức tháo dỡ

Sau một ngày việc chính quyền xã dùng kẽm gai, lưới B40 rào chắn lối đi của nhiều hộ dân được phản ánh, cơ quan chức năng đã tổ chức tháo dỡ, trả lại hiện trạng.

Sáng 5/6, ông Phạm Phú Lộc, Chủ tịch UBND thị xã Buôn Hồ, tỉnh Đắk Lắk, xác nhận UBND xã Bình Thuận đã tổ chức tháo dỡ các rào chắn bằng kẽm gai, lưới B40 tại chợ Hòa Bình cũ.

Còn theo bà Nguyễn Thị Hồng (một tiểu thương tại chợ Hòa Bình cũ), ngày 4/6, lực lượng chức năng đã tổ chức tháo dỡ những rào chắn bằng kẽm gai, lưới B40 tại các lối vào khu chợ, trả lại hiện trạng. Nhiều hộ dân sinh sống trong chợ đã được trả lại lối đi.

"UBND xã Bình Thuận đã rào chắn các lối đi vào chợ từ ngày 10-5. Sau khi bị rào chắn, chúng tôi đã làm đơn phản ánh tới các cơ quan chức năng nhưng họ không có động thái gì. Tuy nhiên, sau khi Báo Người Lao Động phản ánh đúng một ngày, cơ quan chức năng đã tổ chức tháo dỡ", bà Hồng nói.

rao chan o cho Hoa Binh anh 1

Lực lượng chức năng tháo dỡ các rào chắn bằng kẽm gai, lưới B40. Ảnh: Người dân cung cấp.

Như Báo Người Lao Động đã đưa tin, theo phản ánh của các hộ dân, những ngày đầu thống nhất đất nước, người dân ở nhiều vùng miền về khu vực chợ Hòa Bình sinh sống theo diện đi xây dựng vùng kinh tế mới.

Từ năm 1976 đến năm 1986, khi Nhà nước xây dựng nền kinh tế tập trung, bao cấp, theo chủ trương chung người dân trở thành xã viên của Hợp tác xã nông nghiệp Bình Hòa, đóng góp tài sản, công sức để khai hoang, phục hóa vùng đất cùng nhau tập trung canh tác, sản xuất. Năm 1988, Hợp tác xã Bình Hòa lập ra chợ Bình Hòa để các xã viên buôn bán.

rao chan o cho Hoa Binh anh 2

Các lối ra vào chợ, nơi có nhiều hộ dân sinh sống bị UBND xã Bình Thuận rào chắn. Ảnh: Cao Nguyên.

Đến năm 1991, Hợp tác xã Bình Hòa đã phân lô, bán đất trong khu chợ cho các xã viên. Quá trình sinh sống, kinh doanh, người dân đều thực hiện đầy đủ nghĩa vụ tài chính. Xuyên suốt từ đó đến nay, một số hộ sử dụng ổn định, một số hộ chuyển nhượng diện tích đất nhà ở, sạp hàng cho người khác.

Bất ngờ, đầu tháng 5/2022, các hộ dân nhận được thông báo của UBND xã Bình Thuận về việc dừng hoạt động chợ Bình Hòa. Đồng thời, yêu cầu người dân phải tiến hành tháo dỡ, di dời tài sản, vật kiến trúc để bàn giao mặt bằng cho địa phương quản lý dù chưa tiến hành bồi thường, hỗ trợ.

rao chan o cho Hoa Binh anh 3

Một hộ dân sinh sống ổn định trong khu chợ hàng chục năm qua. Ảnh: Cao Nguyên.

Rạng sáng 10/5, UBND xã Bình Thuận lập các hàng rào lưới sắt B40, kẽm gai chắn tất cả các lối ra vào chợ Bình Hòa. Ngoài các rào chắn cố định, lực lượng chức năng còn tổ chức chốt chặn tại một lối đi vào buổi sáng và người dân muốn ra vào đều phải xuất trình giấy tờ tùy thân, nêu rõ lý do.

Người dân cho rằng việc làm này đã đe dọa quyền cư trú, quyền sử dụng đất, quyền sở hữu của công dân.

Lý giải về việc rào chắn lối đi của nhiều hộ dân sinh sống trong chợ, ông Nguyễn Hữu Đông, Chủ tịch UBND xã Bình Thuận, cho rằng nhằm mục đích để các tiểu thương không còn buôn bán trong chợ cũ mà chuyển qua chợ mới.

Trả lời câu hỏi chưa bồi thường, hỗ trợ cho người dân đã yêu cầu di dời tài sản, rào chắn lối đi có đúng quy định hay không, ông Đông cho rằng hiện nay xã đang tổ chức đo đạc, đề nghị người dân cung cấp giấy tờ để báo cáo cấp trên cho hướng xử lý.

TP.HCM dẹp rào chắn của bãi xe lấn chiếm vỉa hè

Sở GTVT TP.HCM đề nghị 6 địa phương xử lý các tổ chức lấn chiếm vỉa hè làm bãi giữ xe trái phép và tháo dỡ các hàng rào tự dựng lên tại các vỉa hè.

TP.HCM muốn đưa tượng Trần Nguyên Hãn đặt lại trước chợ Bến Thành

TP.HCM lên phương án thiết kế cảnh quan đô thị, đặt lại tượng Trần Nguyên Hãn sau 8 năm di dời để xây ga ngầm Bến Thành (tuyến metro số 1).

https://nld.com.vn/thoi-su/vu-xa-dung-kem-gai-luoi-b40-rao-chan-loi-di-cua-nhieu-ho-dan-to-chuc-thao-do-20220605090040281.htm

Cao Nguyên/Người Lao Động

Bạn có thể quan tâm