Trong chiến lược gây sức ép tối đa buộc Triều Tiên phải từ bỏ chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và vũ khí hạt nhân, Mỹ thực hiện chiến dịch giám sát chặt chẽ hoạt động của các tàu thuyền gần vùng biển Triều Tiên.
Ảnh vệ tinh và thông tin mà tình báo Mỹ thu thập được trở thành bằng chứng cho lời buộc tội bấy lâu nay của Washington, cáo buộc ít nhất 6 tàu hàng do người Trung Quốc sở hữu hoặc vận hành đã vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc để giao thương với Triều Tiên.
Những con tàu Trung Quốc dính líu tới Triều Tiên
Mỹ xác định được những con tàu nghi vấn bằng tên và theo dấu di chuyển của chúng. Chúng cập bến Triều Tiên và sau đó vận chuyển hàng hóa phi pháp tới Nga hoặc các nước khác cũng như thực hiện các giao dịch hàng hóa qua mạn thuyền ngay trên biển. Các con tàu này cũng đặt ra những hải trình dài ngày, đi qua nhiều nước, nhằm che giấu các hoạt động phi pháp liên quan tới Triều Tiên.
Theo một báo cáo của Wall Street Journal về các ghi chép doanh nghiệp và cơ sở dữ liệu vận chuyển hàng hóa, 6 tàu hàng bị Mỹ phát hiện thuộc sở hữu và điều hành bởi các công ty Trung Quốc được đăng ký ở Hong Kong, có chủ sở hữu là người Trung Quốc sử dụng địa chỉ tại Đại lục.
Tàu Kai Xiang của Trung Quốc nhận than từ Triều Tiên ngày 31/8. Ảnh: Mỹ cung cấp cho LHQ. |
Tháng 12/2017, Mỹ yêu cầu một ủy ban cấm vận của Liên Hợp Quốc chính thức coi 6 tàu hàng trên là đối tượng vi phạm lệnh cấm vận. Trung Quốc phản đối yêu cầu trên. Ngược lại, Bắc Kinh đồng ý đưa vào danh sách đen của Liên Hợp Quốc 4 tàu không có quan hệ với các công ty Trung Quốc. Tới nay, 6 tàu có quan hệ với Trung Quốc vẫn nằm ngoài danh sách đen này.
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị khẳng định nước này hoàn toàn tuân thủ các nghị quyết của Hội đồng Bảo an và xử lý các vi phạm theo đúng luật pháp quốc tế.
"Bất cứ biện pháp nào áp dụng bởi Hội đồng Bảo an đều cần và chỉ nên dựa trên bằng chứng và sự thật", ông Vương cho biết.
Tuy nhiên, ông Vương từ chối đưa ra phản ứng trước câu hỏi về việc các tàu hàng Trung Quốc không được đưa vào danh sách đen của Liên Hợp Quốc.
Phái đoàn Trung Quốc tại Liên Hợp Quốc không đưa ra lời giải thích chính thức vì sao Bắc Kinh sẵn lòng ủng hộ đưa một số tàu vào danh sách đen, trong khi phản đối việc này với một số tàu khác. Một số quan chức Mỹ tin rằng Bắc Kinh không muốn bị mang tiếng xấu khi mối liên hệ giữa Trung Quốc với các tàu vi phạm lệnh cấm vận quốc tế bị phơi bày.
Giới chức Trung Quốc đã điều tra ít nhất 4 trong 6 chiếc tàu liên quan tới các giao dịch với Triều Tiên. Một số chủ tàu và người quản lý tàu đã bị thẩm vấn bởi cơ quan an ninh. Ít nhất một chủ tàu đã bị bắt trong quá trình điều tra. Thân nhân của người chủ tàu nói vụ bắt giữ có liên quan tới hoạt động giao dịch với Triều Tiên và cho biết người này hiện chưa chính thức bị truy tố.
Đường xuất lậu của than Triều Tiên
Các tài liệu được giải mật mà Mỹ cung cấp cho Liên Hợp Quốc cho thấy rất nhiều lần tàu Trung Quốc vi phạm các nghị quyết của Hội đồng Bảo an về cấm giao thương với Triều Tiên.
Tàu Glory Hope 1 là một ví dụ. Con tàu này vi phạm lệnh cấm xuất khẩu than áp đặt lên Triều Tiên chỉ vài ngày sau khi nghị quyết của Hội đồng Bảo an có hiệu lực tháng 8/2017.
Treo cờ Panama, con tàu này từ biển Hoàng Hải đi vào hải phận Triều Tiên sau khi tắt Hệ thống Định vị tự động AIS, thiết bị lắp đặt trên các tàu biển giúp hiển thị tọa độ của chúng trên thiết bị định vị của các tàu biển, vệ tinh hoặc các thiết bị theo dõi tàu biển trên mặt đất.
Việc tắt thiết bị định vị AIS có thể làm tăng nguy cơ va chạm trên biển. Hướng dẫn hàng hải quốc tế cho phép các thuyền trưởng có thể tắt AIS trong trường hợp gặp phải cướp biển, tuy nhiên yêu cầu họ phải mau chóng tái khởi động hệ thống này khi nguy hiểm đã qua đi.
"Khi AIS ngừng hoạt động, về cơ bản thì con tàu trở nên tàng hình. Con tàu vẫn có thể bị phát hiện bởi các tàu khác bằng radar nếu trong phạm vi đủ gần, nhưng không ai biết được tên của tàu hay địa điểm tàu đi tới", Ioannis Sgouras, cựu thuyền trưởng tàu chở dầu của Hy Lạp, nói với WSJ.
Giới tình báo Mỹ giám sát hoạt động của tàu Glory Hope 1 bằng ảnh vệ tinh và phát hiện nó cập bến cảng Songnim, chất lên một lượng lớn than hôm 7/8/2017. Sau đó con tàu rời khỏi Triều Tiên và trở lại hải trình về Trung Quốc.
Tuyến hải trình của tàu Glory Hope 1. Đồ họa: WSJ. |
Hệ thống định vị của Glory Hope 1 chỉ được kích hoạt lại khi nó tới gần Liên Vân Cảng hôm 15/8/2017, điểm đến đăng ký ban đầu của con tàu. Tuy nhiên, thay vì cập bến Liên Vân Cảng, con tàu chạy dọc bờ biển Trung Quốc để đi xuống vùng biển Đông Nam Á.
Giới chức Mỹ cho rằng thủy thủ đoàn muốn làm như con tàu đã cập bến Liên Vân Cảng và bốc lên tàu một lượng hàng hóa từ Trung Quốc, trước khi di chuyển tới đích đến thực sự của nó. Sau hơn một tuần, con tàu di chuyển từ Trung Quốc tới một bến cảng ở Đông Nam Á trước khi nó lại tắt thiết bị định vị AIS một lần nữa. Ảnh vệ tinh cho thấy Glory Hope 1 đã cập bến và dỡ xuống toàn bộ số than mà con tàu đã vận chuyển từ Triều Tiên.
Glory Hope 1 thuộc sở hữu của một công ty Trung Quốc. Chủ sở hữu của công ty này là hai công dân Trung Quốc với địa chỉ tại thành phố Nam Thông, tỉnh Giang Tô. Một trong hai chủ sở hữu này, tên là Lu Yuliang, đã bị tạm giam từ cuối tháng 8/2017.
"Đó là than từ Triều Tiên. Cha tôi chỉ là vật tế thần", Lu Cong, con trai của Lu Yuliang, nói.
Một tàu hàng khác của Trung Quốc tên Yu Yuan cũng hoạt động theo cách tương tự. Nó nhận than tại Wonsan ngày 12/8/2017. Con tàu sau đó lên đường tới cảng Nakhodka, Nga và neo đậu tại đây trong 6 ngày, trước khi đi tới cảng Kholmsk cũng của Nga và dỡ xuống toàn bộ số than của Triều Tiên.
Ngoài tham gia vào hoạt động buôn lậu than của Triều Tiên, các tàu Trung Quốc như Lighthouse Winmore và Sam Jong 2 bán dầu tinh luyện cho Triều Tiên ngay trên biển, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.
Tàu Yu Yuan chở than Triều Tiên tới Nga. Ảnh: Mỹ cung cấp cho LHQ. |
Xói mòn lệnh cấm vận
Triều Tiên cần ngoại tệ như USD hay EUR để vận hành các hoạt động quân sự, duy trì cuộc sống của giới tinh hoa và các chương trình xã hội. Mỹ cáo buộc nguồn thu ngoại tế chính của Triều Tiên đến từ hoạt động tội phạm công nghệ cao, tiền chuyển về từ lao động ở nước ngoài, và xuất khẩu trái phép than anthracite.
"Trong nhiều năm, xuất khẩu than là nguồn thu chính của Triều Tiên", Marshall S. Billingslea, trợ lý bộ trưởng Tài chính Mỹ, nói.
Tàu hàng cùng cỡ với tàu Glory Hope 1 có thể mang theo khoảng 5.500 tấn than, với giá thị trường khoảng 1.5 triệu USD. Tuy nhiên, than có xuất xứ từ Triều Tiên gần như chắc chắn sẽ được bán ở giá thấp hơn.
Than tại cảng Rason, Triều Tiên. Ảnh: Getty. |
Tháng 12/2017, sau nhiều lần trì hoãn phản ứng, Trung Quốc đã chính thức yêu cầu Ủy ban Cấm vận Liên Hợp Quốc xóa tên 6 tàu có liên quan tới Trung Quốc khỏi danh sách 10 tàu bị đề nghị đưa vào danh sách đen. Do Trung Quốc nắm quyền phủ quyết, các thành viên của ủy ban này đã phải chấp thuận yêu cầu của Bắc Kinh để có thể đưa 4 tàu còn lại vào danh sách đen.
Các tàu bị liệt vào danh sách đen vì vi phạm lệnh cấm vận của Hội đồng Bảo an sẽ bị cấm vào cảng của các nước thành viên Liên Hợp Quốc.
Giới chức Mỹ cảnh báo hiệu lực các biện pháp trừng phạt Liên Hợp Quốc áp đặt lên Triều Tiên có thể bị xói mòn trước tình trạng cấu kết của các tàu hàng nước ngoài với Bình Nhưỡng. Thời gian gần đây, Hàn Quốc và Mỹ tiếp tục phát hiện thêm nhiều tàu hàng nước ngoài bán dầu trái phép cho Triều Tiên, vi phạm lệnh cấm vận của Liên Hợp Quốc.
"Một công ty có tàu vận tải liên quan tới bất kỳ hoạt động giao dịch nào với Triều Tiên nên hiểu đó rất có thể sẽ là hoạt động cuối cùng của họ, trong một thời gian dài", H.R. McMaster, cố vấn an ninh của Tổng thống Mỹ Donald Trump, cảnh báo.