Cuộc họp hai ngày để bàn về tình hình Triều Tiên tại Vancouver do Mỹ và Canada khởi xướng đã kết thúc với việc đại diện tất cả các nước tham dự đều thống nhất xem xét cấm vận mạnh mẽ hơn để buộc Triều Tiên từ bỏ chương trình hạt nhân.
Ngoại trưởng Mỹ Tillerson trao đổi với người đồng cấp tại hội nghị ở Canada. Ảnh: AFP. |
Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson cảnh báo Bình Nhưỡng có thể vấp phải phản ứng quân sự nếu không chọn con đường đàm phán.
Trong khi đó, Ngoại trưởng Nhật Bản Taro Kono nói thế giới “không nên ngây thơ” khi Triều Tiên bất ngờ tham gia đối thoại với Hàn Quốc vào đầu năm nay. Ông cho rằng đây có thể là cách mà Triều Tiên “câu giờ” để phát triển vũ khí.
“Đây không phải là lúc nới lỏng cấm vận hay khen thưởng Triều Tiên. Việc họ chịu đối thoại cho thấy cấm vận đang hiệu quả”, ông Kono nói.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng. Ảnh: Sina. |
Ngày 17/1, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Lục Khảng lên án về hội nghị này, cho rằng nó “chia rẽ cộng đồng quốc tế và làm tổn hại đến cơ hội giải quyết tình hình bán đảo Triều Tiên hợp lý”.
“Chỉ có thông qua đối thoại, giải quyết bình đẳng và hợp lý về quan ngại của tất cả các bên, thì mới đạt được giải pháp hiệu quả và hoà bình”, ông Lục Khảng nói.
Sự vắng mặt của những nước lớn như Nga và Trung Quốc tại hội nghị hai ngày ở Vancouver, Canada, cho thấy những lỗ hổng trong nỗ lực của Washington nhằm thành lập một mặt trận thống nhất toàn cầu chống lại mối đe dọa hạt nhân của Triều Tiên.
Trừ Trung Quốc và Nga không tham gia, còn những nước dự hội nghị đều là các nước ủng hộ Hàn Quốc trong cuộc Chiến tranh Triều Tiên năm 1950 - 1953. Theo Liên Hợp Quốc, 20 quốc gia này không có bất kỳ quan hệ thương mại nào với Triều Tiên trong năm 2016.