Không đến mức nghẹt thở và kỳ diệu như chiến thắng trên chấm luân lưu trước Nhật Bản năm 2016, trận hòa Lebanon để giành vé tới futsal World Cup tối 25/5 (giờ Hà Nội) ghi nhận sự trưởng thành, tâm lý vững vàng, thậm chí sắt đá của đội tuyển futsal Việt Nam.
Tuyển futsal Việt Nam mất 2 phút 30 giây để thay người trong trận lượt về trước Lebanon. Trước khi thay người, tổ cầu thủ Thái Sơn Nam đã ba lần uy hiếp khung thành đối thủ Tây Á. Đó là lối nhập cuộc khác hẳn so với trận lượt đi.
Tuyển futsal Việt Nam giành vé dự World Cup hai lần liên tiếp. Ảnh: VFF. |
Kết quả hòa 0-0 trên sân nhà mang về chút lợi thế cho thầy trò Phạm Minh Giang, và những gì nhà cầm quân này chỉ đạo các học trò, rõ ràng đến từ tham vọng có được bàn thắng sớm trên "sân khách".
Lebanon dĩ nhiên không phải đối thủ gà mờ để Việt Nam hiện thực hóa sớm ý định này. Cuộc đấu vì thế bị dồn ép vào cảnh hai đội liên tục giằng co và uy hiếp nhau. Trong cuộc đấu đòi hỏi sự vững vàng cả từ tâm lý chiến đến thực chiến như thế, Việt Nam sau cùng đã thắng.
Cú rướn người vượt qua đối thủ to lớn trước khi vê gầm giày để xâu kim thủ môn Lebanon của Châu Đoàn Phát đã phá vỡ thế cân bằng của trận đấu và khỏa lấp đi luôn cả thực tế mà tất cả đều đã thấy: Chúng ta chơi không tốt trong hiệp 2 khi đuối sức hơn và bắt đầu mắc sai lầm.
Futsal là một môn thể thao và tồn tại những quy tắc cơ bản: Nếu chưa thể thắng, hãy không thua trước. Và nếu đã có lợi thế (bằng bất kỳ giá nào), hãy sống chết để bảo vệ nó.
Đội futsal Việt Nam chỉ giữ được lợi thế dẫn bàn trên bảng tỷ số đúng 30 giây (khi đối thủ chơi power play - rút cả thủ môn ra ngoài và đẩy cả 5 cầu thủ lên tấn công), nhưng đã bảo toàn thành công lợi thế bàn thắng trên sân khách tới những phút cuối trận bằng những chiếc áo đẫm mồ hôi của 13 cầu thủ ra vào liên tục, bằng cả những tiếng "Bắt, bắt, bắt" liên tục của HLV Minh Giang bên ngoài đường biên, thậm chí bằng cả máu đổ từ những pha bóng lăn xả.
Nửa thập niên trước, Việt Nam cầm hòa Nhật Bản 4-4 trước khi thắng trên chấm luân lưu ở trận tứ kết giải futsal châu Á để tiến vào top 4 đội mạnh nhất châu lục từ đó giành vé dự World Cup. Sự bùng nổ của những cái tên trẻ tuổi cùng tinh thần không bỏ cuộc dựa trên nền tảng kỷ luật là điểm tựa cho cú sốc khủng khiếp ngày đó.
Thủ quân Trần Văn Vũ vẫn là trụ cột của tuyển futsal Việt Nam. |
Giờ đây, tuyển futsal Việt Nam không còn trẻ trung, hay thiếu thốn kinh nghiệm trên đường tới World Cup futsal. Chúng ta điềm đạm, sắt đá hơn để bảo toàn lợi thế, nhưng cũng tràn đầy niềm tin, sự xả thân lẫn tinh thần vượt khó để tự mang về lợi thế như cách Châu Đoàn Phát rướn hết mình để bứt qua đối thủ cao hơn anh.
Tấm vé dự World Cup futsal 2016 từng được coi là điều kỳ diệu hay cú nhảy vọt khó tin của nền futsal Việt Nam non trẻ, khi chỉ không lâu trước đó, thành phần lớn của đội tuyển chỉ tập luyện trong nhà kho, ăn cơm do chính ông bầu Trần Anh Tú nấu, và vượt qua rào cản cơ bản như lương bổng (Phùng Trọng Luân từng nhận lương 1 triệu đồng/tháng khi thử việc ở Khánh Hòa).
Tấm vé dự World Cup futsal 2021 có lẽ sẽ không còn được ghi nhận với những tính từ như trong truyện cổ tích đó nữa. Tuyển futsal Việt Nam đã nỗ lực, phấn đấu và đi chặng đường dài từ chiến công cách đây 5 năm để tiến vào World Cup futsal lần thứ hai trong lịch sử. Lần đầu tiên tạo cú sốc là bất ngờ, nhưng lần thứ hai, đó chắc hẳn phải là bản lĩnh.
5 năm trước, bình luận viên của kênh Fox Sport nói không dưới 10 lần cụm từ "không thể tin nổi" (unbelieveable) sau khi tuyển futsal Việt Nam hạ Nhật Bản để tiến vào bán kết giải futsal châu Á và giành vé dự World Cup.
Lần này, chẳng còn điều gì là "không thể tin nổi nữa". Chúng ta lại giành vé dự futsal World Cup.