Trên trang Sports.yahoo.com, cây bút Leander Schaerlaeckens mô tả ý tưởng nói trên bằng từ "tồi tệ". Còn chiến lược gia Joachim Loew của tuyển Đức nói thẳng: “Việc tăng số lượng đội sẽ làm loãng và mất đi sự hấp dẫn của World Cup”.
Cây bút nổi tiếng Gabriele Marcotti phân tích đề xuất tăng số đội dự World Cup của FIFA thực chất chỉ vì một mục đích: Tăng nguồn lợi nhuận cho tổ chức. Càng nhiều trận đấu diễn ra, các nhà đài buộc phải ký kết hợp đồng mua bản quyền mới, chi phí sẽ tăng vọt.
Chủ tịch Gianni Infantino muốn tăng số đội dự World Cup từ 32 lên thành 48. |
Nhìn rõ vấn đề hơn, ý tưởng của tân chủ tịch Gianni Infantino không tạo ra dấu ấn đáng kể nào cho World Cup. "Trên thực tế, World Cup sẽ không có sự xáo trộn khi tăng lên 48 đội. Vì trên hết vẫn có 32 đội được chia bảng thi đấu theo thể thức hiện nay", ông Infantino nói.
Theo chủ tịch FIFA, dù số đội dự World Cup có tăng lên 16 đội so với thể thức cũ, nhưng tính chất không thay đổi.
Cụ thể, trong 48 đội dự World Cup có thể từ năm 2026, FIFA sẽ chọn ra 16 đội hạt giống bao gồm cả đội nước chủ nhà được miễn đá vòng knock-out đầu tiên. Còn lại 32 đội sẽ chia cặp đấu loại trực tiếp chọn 16 đội đi tiếp.
Như vậy, sau vòng knock-out đầu tiên 16 đội được đi tiếp cùng 16 đội hạt giống sẽ hợp lại thành 32 đội và tiến hành chia bảng thi đấu theo thể thức như hiện nay.
World Cup có quá nhiều đội sẽ làm loãng chất lượng giải đấu. |
Ở những trận play-off, các đài truyền hình buộc phải mua bản quyền, điều này đồng nghĩa FIFA lại thu về doanh thu khổng lồ. Việc tăng số đội tham dự World Cup cũng giúp chủ tịch Infantino nhận được nhiều thiện cảm và sự tín nhiệm từ các Liên đoàn bóng đá nhỏ, khi cơ hội dự World Cup rộng mở đôi chút.
Theo Marcotti, thể thức 32 đội góp mặt ở vòng knock-out đầu tiên sẽ vô cùng tàn nhẫn. Ví dụ, một đội tuyển chuẩn bị ròng rã 2 năm trời vượt qua vòng loại phải tiếp tục đặt số phận vào 90 phút của trận đấu loại trực tiếp, nơi bất ngờ và những cú sốc không né tránh ai.
Lấy ví dụ như Việt Nam vượt qua được vòng loại World Cup đầy chông gai trước những Nhật Bản, Hàn Quốc, Saudi Arabia, Iran... nhưng sau đó lại để thua trong trận knock-out của World Cup và bị loại khỏi giải chỉ sau một trận đấu. Kịch bản này hơi bất công.
Marcotti còn cho biết thêm các nhà tài trợ sẽ không hứng thú với ý tưởng của chủ tịch Infantino.
Ngày trước, khoản tiền rót vào các đội tuyển từ các nhà tài trợ và truyền hình tại World Cup đảm bảo một đội có thể góp mặt ít nhất trong 3 trận đấu ở vòng bảng, tức nhà tài trợ và truyền hình sẽ có 10 ngày để làm thương mại.
Tăng số đội dự World Cup sẽ trở thành đề tài gây tranh cãi những ngày tới. |
Nhưng với 48 đội dự World Cup, chỉ có 16 đội được đảm bảo chơi 3 trận. Những đội bóng còn lại phải giao phó số phận cho 90 phút của trận knock-out. Các nhà tài trợ và truyền hình không thích điều này. Họ không muốn khoản đầu tư của mình chỉ xuất hiện sau 1 trận đấu.
Và như HLV Joachim Loew, "tăng số đội dự World Cup đồng nghĩa chất lượng giải đấu bị giảm đi". Điều này giải thích tại sao vòng chung kết Euro, góp mặt ít đội tham dự hơn World Cup, luôn hấp dẫn hơn.
Còn theo cây viết Schaerlaeckens, chủ tịch Infantino có thể giành chiến thắng trong mắt các Liên đoàn bóng đá nhỏ với ý tưởng tăng số đội dự World Cup, thế nhưng, giải đấu sẽ trở nên loãng đi và suy yếu dần.
Hơn hết, thế giới không xuất hiện quá nhiều những cường quốc với các tên tuổi đẳng cấp trong đội hình. Và khoảng cách về các đội tuyển vẫn còn là cây cầu quá xa.