Chỉ còn 3 ngày nữa, ngày hội bóng đá được mong đợi nhất hành tinh - World Cup 2014 - sẽ chính thức khai mạc tại Brazil. Giới mộ điệu trên khắp thế giới đang háo hức đếm ngược chờ ngày khai hội.
Tuy vậy, tình hình bất ổn của nước chủ nhà Brazil những ngày gần đây đang thực sự khiến giới chức và người hâm mộ lo ngại. Làn sóng biểu tình chống World Cup ngày càng gia tăng ở xứ sở Samba bất chấp những nỗ lực trấn áp của chính quyền sở tại.
Người dân Brazil xuống đường biểu tình chống World Cup. Ảnh: AFP. |
Chỉ 1 tuần trước khi World Cup diễn ra, giao thông tại Sao Paulo – một trong những thành phố tổ chức khai mạc World Cup rơi vào tình trạng tê liệt. Công nhân viên hệ thống xe lửa và tàu điện ngầm toàn thành phố đình công có tổ chức đòi tăng lương, giảm giờ làm. Tàu điện ngầm được xem là phương tiện giao thông chủ yếu tại Brazil, là cầu nối chính giúp cổ động viên tới các sân vận động World Cup.
Cuộc đình công và biểu tình gây ảnh hưởng tới 4,5 triệu hành khách sử dụng tàu điện, hơn 201 km đường giao thông trong thành phố bị tắc nghẽn. Các quan chức FIFA bị chậm 2 tiếng trên đường di chuyển tới một hội nghị trước thềm World Cup cũng vì cuộc biểu tình này.
Thậm chí, căng thẳng đang leo thang khi những người biểu tình không còn ôn hòa, sử dụng vũ lực tấn công lực lượng an ninh trong ga tàu điện ngầm Ana Rosa. Cảnh sát buộc phải sử dụng bình xịt hơi cay và dùi cui điện để trấn áp, gây nên cảnh hỗn loạn không đáng có.
Ngoài ra, hàng nghìn công nhân, giáo viên, tài xế taxi… cũng đồng loạt xuống đường biểu tình phản đối chính phủ, tẩy chay World Cup và FIFA. Theo những người này, số tiền hơn 11 tỷ USD nên được dùng để đầu tư cho giáo dục, y tế và giao thông vận tải thay vì đầu tư cho World Cup.
Công nhân viên nhà ga xe lửa đình công, biểu tình nhằm tăng lương, giảm giờ làm. Ảnh: Huffingtonpost. |
Nhằm trấn an cộng đồng hâm mộ bóng đá, Bộ trưởng du lịch Brazil - ông Vinicius Lages - khẳng định, Brazil đã hoàn toàn sẵn sàng đón du khách. Chính phủ đã thiết lập các đường dây nóng để giúp du khách tìm đến sân vận động khi gặp các cuộc biểu tình.
Nhìn lại lịch sử World Cup, Brazil không phải quốc gia chủ nhà duy nhất phải đối mặt với tình trạng biểu tình, đình công, phản đối ngày hội thể thao diễn ra. Trước khi trái bóng lăn trên sân Johannesburg trong trận mở màn World Cup 2010, người dân nghèo Nam Phi không ít lần sục sôi biểu tình dưới phố.Hiệp hội tài xế taxi tại Cape Town từng tổ chức một cuộc đình công, biểu tình lớn nhằm phản đối việc chính phủ triển khai một hệ thống xe buýt mới phục vụ bóng đá. Họ tin rằng, chính phủ tìm cách cướp đi chiếc “cần câu cơm" của họ. Tức giận, người biểu tình hò hét trên phố, ném đá điên cuồng vào xe buýt khiến ít nhất 4 lái xe bị thương.
Tương tự như tại Brazil, hơn 500 công nhân phục vụ World Cup Nam Phi cũng từng tổ chức biểu tình bên ngoài sân vận động Moses Mabhida ở thành phố cảng Durban để đòi tăng lương. Cảnh sát buộc phải sử dụng súng đạn cao su, lựu đạn hơi cay và khiên để giải tán đám đông.
World Cup 2010 tổ chức tại Nam Phi vẫn diễn ra sôi động và cuồng nhiệt. Ảnh: Getty Images. |
Chính quyền Nam Phi lo ngại tình trạng bất ổn này sẽ khiến ngày khai mạc World Cup 2010 bị hoãn lại. Nhưng rồi, mọi thứ vẫn diễn ra hoàn toàn bình thường, giới mộ điệu vẫn được sống trong một bầu không khí bóng đá sôi động và cuồng nhiệt.
FIFA và nhiều người hâm mộ tin rằng, một kịch bản tương tự sẽ lặp lại tại World Cup 2014. Khi trái bóng lăn, mọi căng thẳng sẽ lắng xuống. “Chúng tôi tự tin rằng World Cup sẽ là một lễ hội. Sau khi giải đấu khởi tranh, tôi tin rằng mọi thứ sẽ lạc quan hơn”, chủ tịch FIFA - ông Sepp Blatter khẳng định.