Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WHO tuyên bố Covid-19 là đại dịch

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus chính thức tuyên bố Covid-19 đã tới giai đoạn gọi là đại dịch và cần hành động khẩn cấp từ tất cả các nước.

Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra công bố đại dịch khi số ca nhiễm đã đạt tới 118.000 trường hợp tại 114 quốc gia và vùng lãnh thổ với 4.291 ca tử vong. Số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc đại lục đã tăng gấp 13 lần trong hai tuần qua.

"WHO đã và đang đánh giá sự bùng phát từng giờ và chúng tôi quan ngại sâu sắc về cả mức độ lây lan và nghiêm trọng đáng báo động, cũng như mức độ thiếu hành động đáng lo ngại", Tổng giám đốc WHO Tedros nói cuộc họp báo hôm 11/3 ở Geneva, Thụy Sĩ.

"Do đó chúng tôi đưa ra đánh giá rằng Covid-19 có thể được mô tả như một đại dịch".

virus corona anh 1

Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus tại họp báo về virus corona ở Geneva, Thụy Sĩ, hôm 28/2. Ảnh: Reuters.

"Đại dịch không phải từ để sử dụng dễ dàng hoặc bất cẩn. Đó là một từ mà, nếu sử dụng sai, có thể gây ra nỗi sợ hãi vô lý, hoặc sự chấp nhận một cách phi lý rằng cuộc đấu tranh đã kết thúc, dẫn đến sự chịu đựng và những cái chết vô lý", Tổng giám đốc WHO nhấn mạnh trong cuộc họp báo.

"Việc diễn tả tình hình hiện nay là đại dịch sẽ không thay đổi những đánh giá của WHO đối với mối đe dọa từ virus corona. Nó không thay đổi những gì WHO đang làm, và nó không thay đổi những gì các nước nên làm".

Ông Tedros cho rằng tình hình dịch bệnh hiện tại là "cuộc khủng hoảng ảnh hưởng đến mọi lĩnh vực".

"Đây là việc của mọi người", tổng giám đốc WHO nói.

Tổng giám đốc WHO cũng cho rằng số các ca nhiễm và số các nước xuất hiện ca nhiễm "không nói lên bức tranh toàn cảnh". "Tất cả quốc gia vẫn có thể làm thay đổi hướng đi của đại dịch này", ông Tedros khẳng định.

Các biện pháp nhanh chóng có thể giúp ngăn chặn các ổ dịch lớn cũng như việc lây nhiễm trong cộng đồng, mặc dù có thể điều này sẽ không làm "thay đổi xu thế".

Theo ông Tedros, thách thức giờ đây không phải là việc các quốc gia có thể thay đổi tiến trình lây lan của virus hay không, mà nằm ở chỗ họ có quyết định hành động hay không. Giám đốc WHO cho rằng một số nước đang vật lộn vì thiếu nguồn lực, nhưng có một số nước khác đang vật lộn với sự "thiếu quyết tâm", nhưng không nói rõ là nước nào.

WHO đã tuyên bố tình trạng y tế khẩn cấp toàn cầu đối với virus corona chủng mới vào ngày 30/1 vào thời điểm số ca nhiễm bên ngoài Trung Quốc chưa đầy 100 trường hợp. Tổ chức này nhiều lần bị chỉ trích là chần chừ trong việc tuyên bố đại dịch.

virus corona anh 2

Số ca nhiễm của Trung Quốc đã được kiểm soát trong khi thế giới chứng kiến sự bùng phát dịch tại Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc, Iran. Ảnh: Reuters.

Tại Trung Quốc, nơi dịch bệnh bùng phát và số ca nhiễm lên đến trên 80.000 và hơn 3.000 người tử vong, virus có vẻ đã được kiểm soát khi số người mắc liên tục giảm trong vài tuần qua, và hầu như không còn ca nhiễm mới bên ngoài tâm dịch Hồ Bắc.

Trong khi đó, Italy đang ghi nhận 12.462 ca nhiễm virus, tính đến ngày 11/3, cùng với đó là 827 ca tử vong, số lượng tử vong cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Pháp, Đức và Tây Ban Nha đều ghi nhận trên 1.000 ca nhiễm.

Bên ngoài châu Âu, Hàn Quốc và Iran là hai điểm nóng khác với lần lượt 7.755 và 9.000 ca nhiễm. Mỹ có 1.281 người nhiễm virus.

Thực tế, WHO không còn có hạng mục phân loại bệnh là "đại dịch", ngoại trừ cúm. Các quan chức WHO đã báo hiệu trong nhiều tuần rằng họ có thể sử dụng từ "đại dịch" như một thuật ngữ mô tả dịch Covid-19 nhưng nhấn mạnh rằng nó không mang ý nghĩa pháp lý.

Virus corona là gì?

Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó.

Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS).

WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu.

Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?

Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động.

Nên lo lắng thế nào?

Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này.

Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?

Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm.

Nếu tôi đi du lịch thì sao?

C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran.

Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc.

Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?

Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm.

Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi.

Virus đã lây lan tới đâu?

Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ.

Virus truyền nhiễm thế nào?

Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm.

Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả.

Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?

Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại.

Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn.

Phong tỏa ở Italy khác gì so với Vũ Hán? Sau lệnh cách ly 16 triệu người tại vùng Lombardy và 14 tỉnh khác để ứng phó dịch Covid-19, quốc gia thu hút du khách bậc nhất châu Âu trở nên hoang vắng hơn bao giờ hết.

Bắc Kinh cách ly toàn bộ người nước ngoài nhập cảnh

Chính quyền Bắc Kinh hôm 11/3 tuyên bố tất cả người nước ngoài tới thành phố sẽ bị cách ly 14 ngày.

Cựu lãnh đạo Vũ Hán bị cáo buộc tham nhũng và lạm quyền

Một quan chức cấp cao của đảng ủy thành phố Vũ Hán đã bị cáo buộc tội danh tham nhũng và lạm dụng quyền lực sau khi bị sa thải vào tháng 2 trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Sơn Trần

Bạn có thể quan tâm