Tổ chức Y tế Thế giới cho biết đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang lan rộng ở hơn 70 quốc gia là một tình huống “bất thường” và xem đây là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, theo AP.
Hôm 23/7, Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã đưa ra quyết định ban hành tình trạng khẩn cấp toàn cầu mặc dù thiếu sự đồng thuận giữa các thành viên trong ủy ban khẩn cấp của WHO. Đây là lần đầu tiên người đứng đầu cơ quan y tế của Liên Hợp Quốc có hành động như vậy.
Ông Tedros cho rằng: “Nói tóm lại, chúng ta có một đợt bùng phát đã lan nhanh khắp thế giới thông qua các phương thức lây truyền mới mà chúng ta hiểu quá ít và nó đáp ứng các tiêu chí trong các quy định y tế quốc tế".
“Tôi biết đây không phải là một quá trình dễ dàng hay đơn giản và có những quan điểm khác nhau giữa các thành viên (của ủy ban)”, ông cho biết thêm.
Bệnh đậu mùa khỉ đã được hình thành ở nhiều nơi tại khu vực Trung và Tây Phi trong nhiều thập kỷ nhưng không có các ca bệnh lây lan ra bên ngoài châu Phi. Tuy nhiên, hồi tháng 5, các nhà chức trách báo cáo xuất hiện nhiều ca nhiễm ở châu Âu, Bắc Mỹ và nhiều nơi khác.
Ở châu Phi, bệnh đậu mùa khỉ chủ yếu lây lan sang người từ các động vật hoang dã bị nhiễm bệnh như loài gặm nhấm. Tuy nhiên, ở châu Âu, Bắc Mỹ và các nơi khác, bệnh đậu mùa khỉ đang lây lan ở những người không có liên hệ với động vật hoặc không du lịch sang châu Phi trong thời gian gần đây.
Trong tuần này, tiến sĩ Rosamund Lewis, chuyên gia về bệnh đậu mùa khỉ hàng đầu của WHO, cho biết 99% tổng số ca bệnh đậu mùa khỉ bên ngoài châu Phi xuất hiện ở nam giới. Trong số đó, 98% ca bệnh liên quan đến người có quan hệ tình dục đồng giới Với tuyên bố khẩn cấp toàn cầu, đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ là một “sự kiện bất thường” có thể lan sang nhiều quốc gia và cần có sự phối hợp ứng phó toàn cầu.
Trước đây, WHO trước đây đã tuyên bố tình trạng khẩn cấp sức khỏe toàn cầu với đại dịch Covid-19, đợt bùng phát dịch Ebola ở Tây Phi năm 2014, sự xuất hiện của virus Zika ở khu vực Mỹ Latin năm 2016 và nỗ lực trong xóa sổ bệnh bại liệt.