“Nguy cơ bệnh đậu mùa khỉ ở các nước vốn không lưu hành dịch bệnh (trước đây) là có thật", người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết trong một cuộc họp báo hôm 8/6.
Ông Ghebreyesus nói thêm rằng cơ quan y tế Liên Hợp Quốc không khuyến cáo tiêm chủng hàng loạt để chống lại virus này và đến nay chưa có trường hợp tử vong nào được báo cáo do dịch bệnh bùng phát.
Dịch đậu mùa khỉ bắt nguồn từ động vật và thường lưu hành ở 9 quốc gia châu Phi.
Tuy nhiên, trong tháng qua, nhiều đợt bùng phát đã được ghi nhận ở một số quốc gia khác, chủ yếu ở châu Âu, đặc biệt là Anh, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha.
Bệnh đậu mùa khỉ có các triệu chứng ban đầu như sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban giống như bệnh thủy đậu. Ảnh: AFP. |
“WHO đã ghi nhận hơn 1.000 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ từ 29 quốc gia vốn không có dịch bệnh lưu hành”, ông Tedros cho biết.
"Cho đến nay, không có trường hợp tử vong nào được báo cáo ở các nước này”, ông nói thêm.
"Một số quốc gia đang công bố các ca mắc lây truyền trong cộng đồng, bao gồm một số trường hợp ở phụ nữ", ông Tedros cho biết.
Các triệu chứng ban đầu của bệnh bao gồm sốt cao, sưng hạch bạch huyết và phát ban giống như bệnh thủy đậu.
Người đứng đầu Tổ chức Y tế Thế giới cho biết ông đặc biệt lo ngại về nguy cơ đối với các nhóm dễ bị tổn thương, bao gồm phụ nữ mang thai và trẻ em.
Theo ông, sự xuất hiện đột ngột và bất ngờ của bệnh đậu mùa khỉ ở các quốc gia không lưu hành dịch bệnh cho thấy có thể đã có sự lây truyền trong một thời gian, song không được phát hiện. Do đó, các quốc gia chưa thể xác định virus đã lây truyền trong bao lâu.
Ông cũng nói rằng căn bệnh này rõ ràng rất đáng lo ngại. Trong nhiều thập kỷ, virus đã lưu hành và khiến nhiều người thiệt mạng ở châu Phi.
Chỉ trong năm nay, hơn 1.400 trường hợp nghi mắc đã được ghi nhận tại khu vực này, trong đó có 66 ca tử vong.
“Các cộng đồng đang sống chung mỗi ngày với mối đe dọa từ loại virus này đáng được quan tâm, chăm sóc như nhau và cần được tiếp cận với các công cụ để tự bảo vệ mình", ông nói.