"Mối đe dọa về đại dịch đã trở nên rất thật", Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nói với các phóng viên trong buổi họp báo ngày 9/3.
Ông cũng đồng thời nhấn mạnh: "Đó sẽ là đại dịch đầu tiên trong lịch sử có thể được kiểm soát... Chúng ta sẽ không ở thế lệ thuộc vào virus".
Huy động toàn bộ hệ thống y tế
Theo kế hoạch phòng chống đại dịch của WHO, ứng phó với đại dịch sẽ đòi hỏi các quốc gia phải "huy động toàn bộ hệ thống y tế, cơ sở vật chất và công nhân viên trên toàn quốc và ở địa phương", nhằm "phân phối thiết bị bảo hộ cho cá nhân" và "phân phối thuốc chống siêu vi, vật tư y tế khác theo kế hoạch quốc gia".
Virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) đã lan ra khoảng 90 quốc gia với hơn 100.000 ca nhiễm trên toàn cầu. Ảnh: Reuters. |
Trước dịch Covid-19, WHO từng tuyên bố đại dịch với dịch Sars năm 2003 và dịch cúm H1N1 năm 2009.
Tổng giám WHO cho rằng virus corona chủng mới đã tạo được "chỗ bám vững chắc tại nhiều quốc gia", điều này có nghĩa nguy cơ xảy ra "đại dịch" đang tăng lên.
Tuy nhiên, ông cũng hoan nghênh thực tế rằng cho tới thời điểm hiện tại, chỉ một số ít các quốc gia có dấu hiệu duy trì lây lan trong cộng đồng. Ông kêu gọi các chính phủ tập trung vào cả việc ngăn chặn và giảm thiểu dịch bệnh lây lan.
Trong số bốn quốc gia có nhiều ca bệnh nhất, Trung Quốc đang kiểm soát sự bùng phát dịch bệnh và số ca bệnh mới ở Hàn Quốc cũng đang giảm. WHO cũng ca ngợi những nỗ lực phòng chống Covid-19 của Italy.
"Cho dù đó là đại dịch hay không, quy tắc của trò chơi là như nhau, không bao giờ bỏ cuộc. Hãy để hy vọng là thuốc giải cho nỗi sợ hãi. Hãy để sự đoàn kết là liều thuốc giải độc", tổng giám đốc WHO nói.
Tính tới ngày 9/3, trên toàn thế giới có 111.362 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, trong đó 80.735 ca bệnh tại Trung Quốc, nơi khởi phát dịch Covid-19.
Một loạt điểm nóng mới ngoài Trung Quốc
Xếp sau Trung Quốc là Hàn Quốc (7.478 ca bệnh), Italy (7.375 ca bệnh) và Iran (7.161 ca bệnh). Đây là các điểm nóng mới ngoài Trung Quốc bùng phát dịch Covid-19 thời gian qua.
Tại châu Âu, Pháp ghi nhận 1.209 trường hợp nhiễm virus corona chủng mới, trong khi Đức có 1.151 ca bệnh. Tây Ban Nha sắp chạm ngưỡng 1.000 ca bệnh khi tính tới ngày 9/3, nước này ghi nhận 979 trường hợp.
Tổng số người chết vì Covid-19 trên toàn thế giới tính đến ngày 9/3 là 3.892 người, theo thống kê của Đại học Johns Hopkins (Mỹ).
Nhân viên y tế phun thuốc khử trùng tại một trường học ở Metro Manila, Philippines hôm 9/3. Ảnh: Reuters. |
Trước đó ít giờ, đài CNN tuyên bố họ sẽ bắt đầu dùng từ "đại dịch" để nói về Covid-19, dù WHO chưa chính thức công bố dịch. Theo CNN, các tiêu chí cụ thể cho một đại dịch chưa được xác định, nhưng có 3 tiêu chí chung, gồm loại virus gây bệnh hoặc tử vong, lây nhiễm từ người sang người và lây lan khắp thế giới.
Trong khi đó, theo Telegraph, "đại dịch" là thuật ngữ được sử dụng bởi các chuyên gia y tế khi dịch bệnh đang phát triển ở nhiều quốc gia và lục địa cùng một lúc. Thuật ngữ này đề cập đến sự lây lan của một căn bệnh, chứ không phải là tiềm năng hay sự nguy hiểm của nó.
WHO định nghĩa thuật ngữ này là "sự bùng phát của mầm bệnh mới lây lan dễ dàng từ người này sang người khác trên toàn cầu". Một dịch bệnh sẽ chỉ được gọi là đại dịch khi nó là bệnh truyền nhiễm và lan rộng ở một số quốc gia hoặc lục địa, thường ảnh hưởng đến một số lượng lớn cư dân.
Tổng giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters. |
Hôm 5/3, Tổng giám đốc Tedros cho rằng Covid-19 chưa phải đại dịch nhưng đang có "những dấu hiệu đáng lo ngại".
Nói trước các phóng viên tại Geneve, ông cho rằng có một "danh sách dài" các quốc gia không tỏ đủ "sự cam kết chính trị" cần thiết để đương đầu với "mối đe dọa chúng ta gặp phải". "Đây không phải một cuộc diễn tập", AFP dẫn lời ông nói hôm 5/3.
Theo Ngân hàng Thế giới, hàng năm chi phí của các nước dành cho ngăn chặn đại dịch từ trung bình đến nặng là khoảng 570 tỷ USD, tương đương 0,7% thu nhập của thế giới.
Đại dịch Sars bùng phát vào năm 2002-2003 khiến khoảng 8.000 người lây nhiễm và gây thiệt hại khoảng 50 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu.
Mặc dù tỷ lệ tử vong của Covid-19 thấp hơn Sars, nhưng virus corona chủng mới được đánh giá có sức tàn phá khủng khiếp hơn. Điều này một phần là do thế giới hiện nay phụ thuộc vào Trung Quốc hơn 17 năm trước.
Trung Quốc chỉ chiếm 5% nền kinh tế thế giới trong thời dịch Sars xuất hiện, nhưng hiện chiếm 1/5 và khoảng 1/3 tăng trưởng toàn cầu.
Virus corona là gì?Nó là loại virus mới được đặt tên vì các gai giống như vương miện nhô ra khỏi bề mặt của nó. Virus corona có thể lây nhiễm cho cả động vật và người và có thể gây ra một loạt bệnh về đường hô hấp từ cảm lạnh thông thường đến các tình trạng nguy hiểm hơn như Hội chứng Hô hấp Cấp tính nặng (SARS). WHO ngày 11/3 đã tuyên bố Covid-19 là đại dịch toàn cầu. Cơ chế tấn công của virus với tế bào người?Virus corona đi vào cơ thể thông qua đường mũi, miệng hoặc mắt, sau đó xâm nhập vào tế bào, giải phóng ARN và được bộ máy nội tế bào nhân bản cho đến khi tế bào dừng hoạt động. Nên lo lắng thế nào?Các đợt bùng phát mới ở châu Á, châu Âu và Trung Đông tiếp tục làm dấy lên nỗi lo về đại dịch toàn cầu. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ (CDC) đã cảnh báo rằng người Mỹ nên chuẩn bị cho khả năng virus sẽ lây lan sang nước này. Làm thế nào để giữ cho bản thân và những người khác an toàn?Rửa tay thường xuyên là điều quan trọng nhất bạn có thể làm, cùng với việc ở nhà nếu bạn ốm. Nếu tôi đi du lịch thì sao?C.D.C. cảnh báo những du khách lớn tuổi và có nguy cơ nên tránh Nhật Bản, Italy và Iran. Cơ quan này cũng đã khuyến cáo chống lại tất cả chuyến du lịch không cần thiết đến Hàn Quốc và Trung Quốc. Nên chuẩn bị thế nào nếu dịch lây lan?Giữ dự trữ thuốc thiết yếu trong 30 ngày. Hãy tiêm phòng cúm. Chuẩn bị sẵn đồ gia dụng thiết yếu và hệ thống hỗ trợ tại chỗ cho các thành viên gia đình cao tuổi. Virus đã lây lan tới đâu?Virus có nguồn gốc từ Vũ Hán, Trung Quốc, đã làm 120.000 người nhiễm bệnh tại ít nhất 110 quốc gia và vùng lãnh thổ. Virus truyền nhiễm thế nào?Theo nghiên cứu sơ bộ, nó có vẻ truyền nhiễm vừa phải, tương tự SARS, và có lẽ được truyền qua hắt hơi, ho và bề mặt bị ô nhiễm. Các nhà khoa học ước tính mỗi người nhiễm bệnh có thể lây sang khoảng 1,5-3,5 người nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả. Ai đang làm việc để ngăn chặn virus?Các quan chức của Tổ chức Y tế Thế giới đã làm việc với các quan chức ở Trung Quốc, nơi sự phát triển của dịch bệnh đang chậm lại. Nhưng trong tuần này, khi các trường hợp được xác nhận tăng vọt ở hai châu lục, các chuyên gia cảnh báo rằng thế giới chưa sẵn sàng cho dịch bệnh lớn. |