Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

WHO lưu ý gì để F0 điều trị và cách ly tại nhà an toàn?

Tổ chức Y tế Thế giới tại Việt Nam cho rằng nếu được phép trở về nhà điều trị sau khi đủ điều kiện, F0 và người chăm sóc cần tuân thủ nghiêm túc các hướng dẫn phòng dịch Covid-19.

Để hạn chế nguy cơ lây lan dịch Covid-19 ra cộng đồng, F0 khi được về nhà điều trị cần thực hiện nghiêm ngặt các quy định, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tại Việt Nam khi trao đổi với Zing đã thông tin về một số khuyến nghị.

WHO tại Việt Nam cho biết để tránh tình trạng hệ thống y tế quá tải, nhiều quốc gia đã ưu tiên giường bệnh cho bệnh nhân nặng và nguy kịch, còn đối với những trường hợp nhẹ hoặc không có triệu chứng, họ sẽ được chăm sóc tại nhà.

Để hỗ trợ các quốc gia, WHO đã đưa ra hướng dẫn về cách điều trị, chăm sóc tại nhà cho các trường hợp mắc hoặc nghi mắc Covid-19.

Bản hướng dẫn này được công bố vào tháng 3/2020 và cập nhật lần cuối vào tháng 5 vừa qua.

Theo Bộ Y tế, tính đến nay, số ca mắc Covid-19 tại Việt Nam đã vượt ngưỡng 50.000 ca.

Trong đợt bùng dịch mới, hơn 80% bệnh nhân chỉ sốt nhẹ, ho, mệt mỏi, không bị viêm phổi và tự hồi phục sau khoảng một tuần. Một số người nhiễm virus nhưng không có triệu chứng lâm sàng.

Vì vậy, để giảm tải cho hệ thống y tế, bắt đầu từ hôm 14/7, Việt Nam thí điểm rút ngắn thời gian điều trị cho F0 tại nhà.

Tuyệt đối không để khách đến thăm nhà

TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai thử nghiệm rút ngắn thời gian điều trị F0 tại nhà. Theo văn bản thí điểm, trường hợp xét nghiệm PCR ngày thứ 10 có kết quả âm tính, hoặc nếu dương tính nhưng tải lượng virus thấp, không còn khả năng lây nhiễm (hoặc rất thấp) thì chuyển về cách ly tại nhà.

Các F0 là nhân viên y tế không triệu chứng cũng được phép cách ly tại nhà ngay khi có đủ điều kiện tương tự F1.

Khuyến nghị đầu tiên WHO đưa ra là bệnh nhân cần hạn chế di chuyển xung quanh nhà và giảm thiểu không gian chung. Tại không gian chung, chẳng hạn như nhà bếp và phòng tắm, cần đảm bảo được thông khí tốt.

Không chỉ thế, theo khuyến cáo của WHO, người bệnh nên thường xuyên rửa tay và đeo khẩu trang y tế, thay khẩu trang hàng ngày và bất cứ khi nào khẩu trang bị ướt hoặc bẩn.

Hướng dẫn của WHO chỉ ra chú ý đặc biệt bệnh nhân phải tuân thủ vệ sinh hô hấp, luôn dùng khuỷu tay hoặc khăn giấy che miệng, mũi khi ho hoặc hắt hơi, sau đó vứt bỏ ngay khăn giấy vào thùng rác có nắp đậy và vệ sinh tay.

dich Covid-19 tai Viet Nam anh 1

TP.HCM là địa phương đầu tiên triển khai phương án rút ngắn thời gian điều trị F0. Ảnh: Phạm Ngôn.

Không chỉ đối với người nhiễm virus corona, WHO cũng đưa ra khuyến nghị với người chăm sóc và thành viên gia đình sống chung nhà với bệnh nhân.

Theo đó, chỉ nên chỉ định một người có sức khỏe tốt và không có bệnh nền mạn tính để chăm sóc người mắc bệnh.

Người chăm sóc cần đeo khẩu trang y tế, che kín miệng, mũi và tránh tiếp xúc trực tiếp với dịch từ cơ thể của bệnh nhân, đặc biệt là dịch tiết từ đường mũi, miệng hoặc đường hô hấp và phân.

Người chăm sóc phải sử dụng găng tay dùng một lần và khẩu trang khi chăm sóc răng miệng hoặc hô hấp, và khi xử lý phân, nước tiểu cùng các chất thải khác.

Các thành viên trong gia đình cần tránh vào phòng bệnh nhân, hoặc nếu không thể, phải giữ khoảng cách với bệnh nhân ít nhất 1 m.

Người chung nhà cũng cần tránh tiếp xúc với các vật dụng nhiễm khuẩn như không dùng chung bàn chải đánh răng, dao kéo, khăn tắm, khăn mặt hoặc khăn trải giường.

Khách không được phép đến thăm nhà cho đến khi người bệnh đã hoàn toàn bình phục, không có triệu chứng của Covid-19 và hết thời gian cách ly.

Tuân thủ mọi nguyên tắc vệ sinh

Ngoài ra, trong hướng dẫn về chăm sóc điều trị bệnh nhân tại nhà, WHO cũng đưa ra khuyến nghị về quản lý găng tay và khẩu trang, xử lý đồ vải, khử khuẩn, xử lý chất thải và những thứ khác khi chăm sóc cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà.

Cụ thể, về quản lý khẩu trang và găng tay, WHO cho rằng không sử dụng lại khẩu trang hoặc găng tay y tế (trừ khi găng tay là sản phẩm có thể tái sử dụng như găng tay chuyên dụng).

Người chịu trách nhiệm làm sạch bề mặt hoặc xử lý quần áo, ga trải giường dính chất dịch từ cơ thể người bệnh nên sử dụng găng tay và quần áo bảo hộ (ví dụ tạp dề bằng nhựa) khi làm công việc này.

Họ có thể lựa chọn đeo găng tay chuyên dụng hoặc găng tay dùng một lần tùy thuộc vào hoàn cảnh, vệ sinh tay trước khi đeo và sau khi tháo găng tay.

Sau khi sử dụng, găng tay chuyên dụng cần được làm sạch bằng xà phòng và nước, đồng thời khử khuẩn bằng dung dịch natri hypoclorit 0,1%. Găng tay sử dụng một lần (ví dụ, găng tay nitrile hoặc latex) cần phải loại bỏ sau mỗi lần sử dụng.

dich Covid-19 tai Viet Nam anh 2

Nhân viên y tế phun khử khuẩn tại TP.HCM. Ảnh: Phạm Ngôn.

Bên cạnh đó, khăn trải bàn và dụng cụ bàn ăn cần sử dụng riêng biệt cho bệnh nhân và phải được vệ sinh thường xuyên. Những dụng cụ này có thể được tái sử dụng thay vì loại bỏ sau mỗi lần sử dụng.

Người chăm sóc chú ý giặt sạch quần áo, khăn ga trải giường, khăn mặt và khăn tắm của bệnh nhân bằng nước và xà phòng giặt, hoặc giặt máy ở nhiệt độ 60-90°C với chất tẩy rửa thông thường, và sấy khô hoàn toàn.

WHO lưu ý người chăm sóc cần cho đồ bẩn của người bệnh vào túi giặt, không giũ quần áo bẩn và tránh để các đồ bẩn tiếp xúc với da và quần áo.

Ngoài ra, khi điều trị cho bệnh nhân tại nhà cũng cần chú ý vệ sinh khử khuẩn và làm sạch chất thải.

WHO khuyến nghị làm sạch và khử khuẩn các bề mặt thường xuyên tiếp xúc trong phòng, nơi bệnh nhân đang được chăm sóc điều trị, ít nhất một lần mỗi ngày. Tương tự, phòng tắm và nhà vệ sinh cũng cần khử khuẩn.

Chất thải sinh hoạt trong khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 tại nhà cần được bỏ vào trong túi chắc chắn và buộc chặt miệng túi trước khi được thu gom bởi dịch vụ xử lý chất thải đô thị.

Nếu không có dịch vụ này, có thể chôn chất thải. Đốt là phương án ít được lựa chọn nhất, vì nó có hại cho sức khỏe con người và môi trường.

Chuyên gia NUS: Cần phạt mạnh tay người vi phạm cách ly tại nhà

Giáo sư Dale Fisher, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm ở Đại học Quốc gia Singapore (NUS), nói cần có biện pháp cứng rắn để răn đe hành vi vi phạm khi thực hiện cách ly F1 tại nhà.

Đại diện WHO: Miền Nam đang trong đợt bùng dịch đầy khó khăn

Trưởng đại diện WHO Kidong Park cho rằng Việt Nam đi đúng hướng trong việc triển khai giãn cách xã hội, nhưng cần lưu tâm ảnh hưởng của các biện pháp này đối với người dân.

Minh An - Phương Linh

Bạn có thể quan tâm