“Chúng ta phải cẩn thận trong việc sử dụng ngôn từ để không dẫn đến việc ám chỉ các cá nhân với virus”, Mike Ryan, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp về y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), nói. “Đây là việc chúng ta cần tránh hoàn toàn”.
Cho đến thời điểm này, dịch Covid-19 đã cướp đi gần 9.000 sinh mạng và khiến hơn 214.000 người nhiễm trên khắp thế giới. Cùng với đó, các cuộc tấn công bằng lời nói và bạo lực nhắm vào người Trung Quốc và người gốc Đông Á trên thế giới gia tăng, theo South China Morning Post.
Hôm 17/3, Weijia Jiang, phóng viên phụ trách Nhà Trắng của CBS News, nói rằng một nhân viên chính phủ Mỹ đã gọi virus corona là “Kung-Flu” trước mặt cô. “Điều này khiến tôi tự hỏi không rõ họ gọi nó là gì sau lưng tôi”.
“Tôi chắc chắn rằng bất cứ ai cũng sẽ phải hối hận khi ám chỉ một dân tộc với virus”, ông Ryan nói. Ông không chỉ đích danh tên Tổng thống Trump.
Ông Mike Ryan, người đứng đầu các chương trình khẩn cấp về y tế của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO). Ảnh: AFP. |
Trong cuộc họp báo mới nhất hôm 18/3, ông Trump đã sử dụng cụm từ “cuộc chiến chống virus Trung Quốc”. Ngôn từ của ông được cánh báo giới liên hệ với cuộc tấn công bài ngoại nhằm vào người Mỹ gốc Á.
“Đó không phải là phân biệt chủng tộc. Không phải”, ông Trump nói. “Nó (virus) đến từ Trung Quốc, đó là lý do tại sao”.
Ông Trump nhiều lần bác bỏ những chỉ trích nhắm vào phản ứng của chính quyền của ông liên quan đến Covid-19. Ông nói rằng “người Mỹ gốc Á có lẽ sẽ đồng ý với thuật ngữ này 100%”.
Những thuật ngữ trên đi ngược với hướng dẫn của WHO trong việc phản đối sử dụng các thuật ngữ gắn với địa danh để gọi tên dịch bệnh (virus).