Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 5/3 nói rằng có quá nhiều nước đang không làm đủ các bước cần thiết để ngăn chặn sự lây lan của loại virus corona chủng mới.
Nói trước các phóng viên tại Geneve, ông cho rằng có một "danh sách dài" các quốc gia không tỏ đủ "sự cam kết chính trị" cần thiết để đương đầu với "mối đe dọa chúng ta gặp phải".
"Đây không phải một cuộc diễn tập", AFP dẫn lời ông nói.
Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus. Ảnh: Reuters. |
Hơn 95.000 người đã nhiễm bệnh và 3.200 người tử vong. Virus ban đầu bùng phát tại Trung Quốc, buộc nước này phải đóng cửa các nhà máy, phong tỏa một số thành phố.
Tuy vậy, trong khi tốc độ lây nhiễm ở Trung Quốc đã có dấu hiệu chững lại, virus đã lan rộng ra nhiều nước, biến thành dịch nghiêm trọng ở Hàn Quốc, Iran và nhiều nước châu Âu.
Dù chỉ trích các quốc gia chưa đủ cam kết với việc chống dịch, tổng giám đốc WHO cũng phủ nhận việc dịch bệnh đã đạt tới mức một "đại dịch".
"Chúng ta vẫn chưa ở đó", ông nói. Ông nói rằng việc kiểm soát dịch bệnh vẫn còn khả thi, và nên là ưu tiên chính của việc phản ứng.
Ngày 5/3 chứng kiến sự tăng vọt ca nhiễm và ca tử vong ở nhiều nước châu Âu.
Tại Italy, nơi đang là ổ dịch lớn nhất của châu Âu, 148 người đã tử vong trong khi số ca nhiễm là 3.296, tăng 590 ca trong một ngày. Tỷ lệ ca nhiễm tăng lên của Italy hiện đã tương đương Hàn Quốc, và cao nhất thế giới.
Số ca nhiễm của Anh đã vượt qua con số 100, tăng lên đến 115. Số ca nhiễm của Anh đã tăng vọt trong hai ngày 4, 5/3 trong khi ca tử vong đầu tiên cũng vừa được báo cáo. Người phát ngôn thủ tướng Anh nói rằng virus "chắc chắn sẽ lan ra đáng kể".
Trong khi đó tại Hà Lan, số bệnh nhân nhiễm virus corona đã tăng hơn gấp đôi lên 82 trường hợp, từ con số 32 người nhiễm một ngày trước đó, theo thống kê của Viện Quốc gia về Sức khỏe Cộng đồng của Hà Lan.
Số ca nhiễm virus corona tại Hàn Quốc tính đến chiều 5/3 đã vượt qua cột mốc 6.000 người. Tới nay ít nhất 40 ca tử vong đã được ghi nhận.